Lái xe phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe để đảm bảo an toàn giao thông

Lái xe phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe để đảm bảo an toàn giao thông

Loạc choạc xét nghiệm ma túy cho tài xế

Đã có dấu hiệu làm qua quýt, đối phó trong việc khám sức khỏe và xét nghiệm ma túy sàng lọc cho các lái xe tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại một số địa phương.

Nơi “chặt”, nơi “lỏng”

Có hai lý do khiến lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phải tỏ thái độ không hài lòng đối với công tác khám, kiểm tra sức khỏe lái xe ô tô kinh doanh vận tải của một số sở GTVT trực thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Lý do đầu tiên là việc, tính đến ngày 28/5, Bộ GTVT mới nhận được báo cáo của 29 tỉnh, thành phố, trong số này chỉ có 13 địa phương công bố kết quả khám sức khỏe, xét nghiệm ma túy lái xe của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn.

Theo kết quả khám sức khỏe bước đầu của 10.081 lái xe tại 13 tỉnh, thành phố mà Bộ GTVT nắm được, trong số 217 người không đảm bảo sức khỏe, có 101 người dương tính với ma túy.

Con số lái xe dương tính với ma túy, hoặc không đảm bảo sức khỏe sẽ tăng lên đáng kể nếu như những địa phương đầu mối giao thông đường bộ lớn là TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng… hoàn tất việc khám sức khỏe cho lái xe trong vài tuần tới.

Trước đó, theo yêu cầu của Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc, vào tháng 2/2014, Bộ GTVT ấn định thời hạn chót để hoàn thành việc tổng rà soát sức khỏe lái xe cả nước trước ngày 30/4/2014.

Không chỉ trễ về thời hạn, mà đã xuất hiện dấu hiệu làm qua quýt, đối phó trong việc khám sức khỏe và xét nghiệm ma túy sàng lọc cho các lái xe tại các doanh nghiệp vận tải tại một số địa phương.

“Có một số địa phương báo cáo tất cả lái xe đều đủ sức khỏe, không có trường hợp nào sử dụng ma túy”, Bộ trưởng Bộ GTVT, Đinh La Thăng bày tỏ nghi vấn trong công văn số 6174/BGTVT – YT về kết quả tăng cường khám sức khỏe lái xe được phát đi vào cuối tuần trước.

Được biết, một trong những tỉnh có số lượng lái xe khỏe và “sạch” ma túy một cách... rất bất bình thường là Bạc Liêu. Theo đó, toàn bộ 328 lái xe được khám sức khỏe và xét nghiệm ma túy tại tỉnh này đều đạt yêu cầu, không có bất kỳ trường hợp nào dương tính với chất gây nghiện.

Nghi vấn của lãnh đạo Bộ GTVT là có cơ sở, bởi tại Hải Dương – địa phương được đánh giá là làm “chặt”, kết quả khám sức khỏe và xét nghiệm ma túy cho lái xe của các doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, bằng phương pháp test que thử với mẫu nước tiểu có tới 62/1.787 lái xe cho kết quả dương tính với ma túy. Số lượng lái xe không đạt sức khỏe là 37 người (sức khỏe loại IV - yếu).

Các doanh nghiệp có nhiều lái xe dương tính với ma túy là Công ty cổ phần Vận tải An Sinh (4 trường hợp); Công ty cổ phần Ô tô vận tải hành khách Hải Dương (4);  Công ty TNHH MTV Mai Linh Hải Dương (3);  Công ty cổ phần Vận tải Rạng Đông (4); Doanh nghiệp Sản xuất và Dịch vụ Hương Nguyên (9)…

Tại Điện Biên, ngoài 10 lái xe dương tính ma túy, có 5 lái xe chuyên nghiệp không đảm bảo chiều cao tối thiểu, trong đó có trường hợp chỉ cao 1,51m, nhưng liên tục 20 năm nay các cơ quan y tế địa phương vẫn kết luận là đủ sức khỏe lái xe hạng E.

Hiện “kỷ lục” về lái xe không đảm bảo sức khỏe tại một địa phương đang thuộc về Hải Phòng. Sau khi khám sức khỏe của 7.524 lái xe tại thành phố cảng, các cơ quan chức năng đã phát hiện 217 trường hợp không đảm bảo sức khỏe, có biểu hiện dương tính với ma túy, mắc các bệnh về thị giác, thính giác…

Theo quy định, đối với các trường hợp đối với lái xe không đảm bảo sức khỏe, thì doanh nghiệp vận tải tạm thời cho nghỉ dưỡng nhằm phục hồi sức khỏe sau đó mới tiếp tục hoạt động trở lại; Với lái xe có sử dụng chất ma túy, doanh nghiệp vận tải phải chấm dứt ngay hợp đồng lao động, không cho hành nghề lái xe ở doanh nghiệp mình.

“Cần biểu dương những địa phương thực hiện nghiêm túc, bởi nếu không phát hiện và cho dừng kịp thời, đây sẽ thực sự là một mối họa lớn cho người tham gia giao thông”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá.

Dễ lọt lái xe “nghiện”

Được biết, để không để lọt lưới các lái xe dương tính với ma túy, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị lãnh đạo Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế địa phương làm thật chặt công tác xét nghiệm, sàng lọc. Các đơn vị này được lưu ý công tác giám sát lái xe khi lấy mẫu nước tiểu đề phòng trường hợp đánh tráo, hoặc xin mẫu nước tiểu của người khác…

“Tất cả các trường hợp từ chối, không phối hợp thực hiện, hoặc không xét nghiệm đều bị coi là dương tính với ma túy, không đảm bảo sức khỏe lái xe”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc kiểm tra sức khỏe của lái xe hiện nay đang được thực hiện tại các bệnh viện, phòng khám… mà không phải trên thực địa, nên khi phát hiện lái xe dương tính với ma túy sẽ không thể áp dụng chế tài phạt tiền, thu bằng lái trong vòng 24 tháng được quy định tại khoản 8, điều 10, chương 5, Nghị định số 171/2013/NĐ – CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị, cho phép Sở GTVT trên cơ sở kết quả khám sức khỏe được phép tạm thu hồi giấy phép lái xe trong vòng 24 tháng đối với người vi phạm. Giấy phép lái xe này chỉ được trả khi lái xe chấp hành đủ thời gian xử phạt và có kết quả âm tính với chất ma túy tại chính cơ sở đã phát hiện trước đó.

“Nếu không thu được giấy phép lái xe, tài xế nghiện có thể chuyển sang doanh nghiệp khác để hành nghề, rất dễ gây họa cho xã hội”, ông Tống Duy Kim, Phó giám đốc Sở GTVT Điện Biên cảnh báo.

Hiện Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì phối hợp với  Thanh tra Bộ GTVT tiến hành hậu kiểm tại một số địa phương nhằm chấn chỉnh, có biện pháp xử lý thích đáng đối với trường hợp làm qua quýt, nửa vời để từng bước đưa công tác để đánh giá công tác khám, sàng lọc sức khỏe cho lái xe vào nề nếp.

Tin bài liên quan