Lỗ hổng thoái vốn nhìn từ vụ Sabeco

Lỗ hổng thoái vốn nhìn từ vụ Sabeco

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với các công ty chỉ còn một phần vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), việc thoái vốn chỉ cần tuân thủ Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty, có thể bị lợi dụng, dẫn đến thất thoát trong quá trình thoái vốn như đã xảy ra tại Sabeco.

Từ khi còn là DNNN, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được giao quản lý khu đất 6.080 m2 và các tài sản trên đất tại địa chỉ số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng. Hàng năm, Sabeco nộp tiền thuê đất để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho Nhà nước.

Quá trình cổ phần hóa, Sabeco được cho giữ lại khu đất này để kinh doanh thương mại, văn phòng. Sau khi cổ phần hóa năm 2007, Sabeco đã liên doanh, liên kết với một số doanh nghiệp khác để thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án bất động sản trên khu đất.

Sau một quá trình dài với nhiều thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất, xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, định giá đất, điều chỉnh bổ sung chức năng dự án, chuyển chủ đầu tư dự án, chuyển quyền sử dụng đất từ Sabeco sang công ty liên doanh liên kết - Sabeco Pearl và đặc biệt là quá trình thoái vốn, khu đất vàng hơn 6.000m2 thuộc về các nhà đầu tư khác, Nhà nước không còn vai trò lợi ích gì.

Ngoài sai phạm về đất đai, riêng nội dung thoái vốn, Sabeco đã mời 3 công ty gồm CTCP Tư vấn và thẩm định giá Đông Nam, CTCK ACB, Công ty TNHH Cushman & Wakefield để tiến hành thẩm định.

Tuy nhiên, chỉ có Công ty Đông Nam có chức năng thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính. Bộ Công thương phê duyệt giá khởi điểm khi thoái vốn là 13.247 đồng/cp.

Ngày 14/6/2016, Sabec tổ chức bán đấu giá 26% vốn điều lệ tại Sabeco Pearl cho 3 cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl gồm Công ty Atland, Công ty Mê Linh, Công ty Hà An.

Sau ngày đấu giá, Sabeco đã có văn bản xin ý kiến Bộ Công thương, hỏi UBCK về trình tự thủ tục thoái vốn của Sabeco.

Ông Trương Lê Quốc Công, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, UBCK đã có công văn trả lời xác định: “Việc thoái phần vốn góp của Tổng công ty Sabeco tại Công ty Sabeco Pearl không phải là chuyển nhựơng vốn của doanh nghiệp nhà nước hoặc thoái phần vốn nhà nước. Việc thoái vốn được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty cổ phần...”.

Như vậy, trong vụ việc này, các cơ quan chức năng xác định việc thoái 26% vốn tại Sabeco Pearl không phải thực hiện đấu giá công khai mà chỉ cần thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Sau đó, Công ty Attland, đơn vị trúng đấu giá đã chuyển số tiền 196 tỷ đồng và sở hữu thêm 26% cổ phần tại Sabeco Pearl.

Trong khi đó, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương xác định, 26% vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl tại ngày 1/4/2016 có giá trị là hơn 465 tỷ đồng.

Nhìn chung, các văn bản pháp luật liên quan đến thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đều yêu cầu việc thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc theo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp; đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và việc chuyển nhượng vốn liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Phương thức thực hiện thoái vốn cũng được quy định tại nhiều văn bản nhưng về cơ bản tại các công ty đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch Upcom, việc chuyển nhượng cổ phiếu thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Đối với công ty chưa niêm yết, thực hiện theo thứ tự đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận.

Cụ thể hơn, Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định đấu giá công khai có thể thực hiện theo 2 phương thức: đấu giá thông thường và đấu giá theo lô.

Nếu giá trị chuyển nhượng trên 10 tỷ đồng trở lên phải thực hiện tại các sở giao dịch chứng khoán, dưới 10 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, Nghị định 91 có đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhà nước bao gồm các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Điều này có nghĩa các công ty đã cổ phần hóa và còn vốn nhà nước khi thoái vốn tại các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 91.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an trong quá trình điều tra vụ án đã ghi nhận lỗ hổng này. Theo đó, có tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện hành vi “thâu tóm”, làm giá, gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và hoạt động của DNNN.

Cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng cần xem xét, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về việc thoái vốn của các tổng công ty, tập đoàn kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp dưới 100% vốn nhà nước và các công ty con, công ty cháu có vốn đầu tư của DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tin bài liên quan