Liên doanh bất thành, Bệnh viện đa khoa Thanh Trì và đối tác đưa nhau ra toà

(ĐTCK) Hợp đồng không thỏa thuận về bồi thường xây dựng khi liên doanh chấm dứt trước thời hạn nên hai bên buộc phải đưa nhau ra tòa án phân xử.

Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã giải quyết phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp tác đầu tư giữa CTCP Dịch vụ y tế Việt Nam và Bệnh viện đa khoa Thanh Trì.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2007, Công ty và bệnh viện ký hợp đồng hợp tác liên doanh liên kết, trong đó Công ty góp vốn 7,5 tỷ đồng, bệnh viện góp bằng quyền sử dụng 1.600 m2 đất kèm cơ sở hạ tầng sẵn có để thực hiện dự án liên doanh liên kết nâng cấp khoa Hồi sức cấp cứu, khoa khám bệnh và khoa cận lâm sàng.

Hai bên thành lập ban quản lý dự án, lấy pháp nhân bệnh viên tham gia giao dịch và làm chủ đầu tư dự án. Hợp đồng có thời hạn 10 năm. Trong 5 năm đầu, lợi nhuận được chia: công ty - bệnh viện là 70%-30%. Từ năm thứ 6 đến năm thứ 10 là 60%-40%.

Năm 2010, Sở Y tế Hà Nội có công văn cho phép hoạt động đề án liên doanh trên.

Quá trình thực hiện, từ năm 2008-2011, bệnh viện đã chia lợi nhuận cho công ty theo đúng hợp đồng. Kể từ năm 2012-2013 thì chưa thanh toán.

Do đó, công ty khởi kiện ra tòa án, yêu cầu bệnh viện chia lợi nhuận năm 2012 là 1,2 tỷ đồng và lãi do chậm thanh toán là 582 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải bồi thường trang thiết bị văn phòng, y tế; chi phí xây dựng. Tổng cộng là 5,5 tỷ đồng. Sau đó, công ty đã rút yêu cầu bồi thường trang thiết bị y tế.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn vắng mặt. Tòa án tuyên buộc bệnh viện phải thanh toán số tiền 3,3 tỷ đồng.

Sau khi nhận được quyết định trên, bệnh viện kháng cáo cho rằng phía công ty tự ý ngừng hoạt động liên doanh. Số tiền lợi nhuận năm 2012 là không đúng.

Tòa án xem xét thì xác định, trong hợp đồng hợp tác có quy định, không bên nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia.

Tuy nhiên, cuối năm 2012, bệnh viện không ký xác nhận bản đối chiếu và tạm ứng. Do đó, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng là không sai theo Điều 310 Luật Thương mại 2005. Tuy nhiên, công ty không thể đơn phương chấm dứt vì đã đầu tư máy móc, thiết bị, vật liệu và chỉ cử người là kế toán tham gia quản lý theo dõi thu chi.

Tòa án nhận định, báo cáo thu chi 9 tháng đầu năm 2012 được lập nhưng lãnh đạo bệnh viện không ký phê duyệt dẫn đến tranh chấp. Nhưng theo biên bản đối chiếu ngày 2/7/2014 thì thể hiện số liệu đối chiếu trước đây là đúng nên chấp nhận khoản tiền yêu cầu số tiền này.

Phía bệnh viện còn cho rằng, khi liên doanh công ty cải tạo, xây dựng không có giấy phép và hợp đồng không thỏa thuận về bồi thường xây dựng khi liên doanh chấm dứt trước thời hạn. Tuy nhiên, theo tòa án, các hạng mục đều là cải tạo, sửa chữa nên không phải xin phép xây dựng.

Hợp đồng quy định, khi hết hạn thì phần cải tạo xây dựng sẽ thuộc về bệnh viên. Tuy nhiên, hợp đồng này bị chấm dứt sau 5 năm và phía bệnh viện có lỗi nên bệnh viện phải thanh toán 1/2 giá trị xây dựng là đúng.

Vì vậy, tòa án quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tin bài liên quan