Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8: Lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh

Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8: Lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh

(ĐTCK) Chiều 17/10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tại trụ sở Nhà Quốc hội mới.

Kỳ họp này sẽ khai mạc vào Thứ Hai tuần tới (ngày 20/10/2014) và kéo dài hơn 1 tháng, kết thúc vào ngày 28/11/2014. Đây là kỳ họp đầu tiên tại Nhà Quốc hội mới.

Trong kỳ họp này, chỉ có Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam được tác nghiệp tại Hội trường. Các phóng viên còn lại sẽ theo dõi kỳ họp tại Trung tâm báo chí.

Được biết, phòng dành cho phóng viên trong Nhà Quốc hội mới chỉ có sức chứa 200 người, trong khi số lượng phóng viên được cấp thẻ theo dõi kỳ họp lên tới 500 người. Do đó, Văn phòng Quốc hội tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm báo chí tại Văn phòng Quốc hội (số 37 Hùng Vương) và phóng viên sẽ được chia ra tác nghiệp tại Nhà Quốc hội mới và Văn phòng Quốc hội.

50 chức danh, 3 mức tín nhiệm

Về một số nội dung của kỳ họp, sự quan tâm của báo chí tập trung vào việc lấy phiếu tín nhiệm và việc sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm. Đây là lần thứ 2 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, bổ nhiệm. Lần đầu được tiến hành vào kỳ họp thứ 6, diễn ra tháng 6/2013.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, về lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này, vẫn theo thể thức cũ được quy định tại Nghị quyết 35, với 3 mức tín nhiệm gồm: Tín nhiệm thấp, tín nhiệm, tín nhiệm cao.

“Đến giờ, chưa biết các báo cáo như thế nào nhưng trên tinh thần sẽ có đề cương chi tiết, hướng dẫn cụ thể, ấn định số trang tránh tình trạng báo cáo dài, báo cáo quá ngắn như kỳ trước” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Lần này Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm cho 50 chức danh thay vì 49 chức danh như lần trước. Người thứ 50 này là ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban dân nguyện. Sở dĩ lần trước ông Hiền chưa có trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm là vì mới được bổ nhiệm, chưa đủ thời gian công tác.

Ông Phúc cũng cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ có Quốc hội Việt Nam tiến hành và rất có hiệu quả, các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm đã làm tốt hơn. Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới, thì đây cũng là kênh tham khảo trong công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới.

Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ được thảo luận, sửa đổi tại kỳ họp này theo hướng mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm một lần và giữ nguyên 3 mức tín nhiệm. Dù vậy, qua tiếp xúc cử tri vẫn còn có ý kiến cho rằng chỉ nên có 2 mức Tín nhiệm và Không tín nhiệm.

“Về mức tín nhiệm đã bàn kỹ, nếu là bỏ phiếu thì chỉ có 2 mức tín nhiệm, không tín nhiệm. Nhưng chúng ta là lấy phiếu tín nhiệm với mục đích là đánh giá, khảo sát tín nhiệm nên có 3 mức. Nếu chỉ 2 mức thì có lẽ thành bỏ phiếu luôn” – ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích.

18 dự án luật được xem xét thông qua

Trong kỳ họp cuối năm này, Quốc hội tập trung thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và các báo cáo của ngành tư pháp.

Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật để sớm đưa các quy định của Hiến pháp 2013 vào cuộc sống.

Trong đó, có 18 dự án luật sẽ được xem xét, thông qua với nhiều dự án luật có tác động lớn đến các hoạt động kinh tế như Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…

Có 12 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến như Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)… Đây là kỳ họp có số dự án luật được xem xét thông qua cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay.

Về công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo tình tình kinh tế xã hội 2014 và nhiệm vụ 2015, các báo cáo của ngành tư pháp, báo cáo giám sát chuyên đề về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng…

Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn:

Bộ chưa ủng hộ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với game online tại thời điểm này, bởi hoạt động thực tế hoạt động sản xuất của ngành này cho thấy chưa phù hợp.

Thứ nhất, hoạt động sản xuất trò chơi điện tử trên mạng là ngành công nghiệp nội dung số, ngành ưu tiên phát triển qua ưu đãi thuế.

Thứ hai, ngoài game của các nhà phát hành của trong nước còn rất nhiều game của nhà phát hành nước ngoài vẫn đang được nhập lậu qua mạng, không biên giới. Nếu ta đánh thuế nhà phát hành trong nước, mà không đánh thuế được nhà phát hành nước ngoài thì vô hình chung chúng ta bảo hộ ngược. Do đó, quan điểm của Bộ là chưa nên đánh thuế

Tin bài liên quan