Kinh nghiệm đáng tiếc từ Luật Bảo hiểm xã hội

Kinh nghiệm đáng tiếc từ Luật Bảo hiểm xã hội

(ĐTCK) Ngày 24/6, Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau 1 năm nghỉ việc. Bản chất của Nghị quyết là nhằm sửa đổi Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội, tạm dừng thực thi quy định về việc thu hẹp đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Điều luật này được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng, nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Trước quy định này, một bộ phận người lao động chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt, chưa nghĩ đến cuộc sống khi về già. Nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội làm vốn sau này về quê làm ăn.

Vì vậy, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng: cho phép người lao động có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

Khi thảo luận, một số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc sửa Điều 60. Đề xuất của Chính phủ để người lao động có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội là hợp với tình hình hiện nay, phù hợp với những quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, lựa chọn những việc làm không vi phạm pháp luật. Với một bộ phận người lao động do công việc không chắn chắn nên không muốn kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội cũng là chuyện cần ủng hộ. Nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn, thậm chí vì lý do sức khỏe…, họ rất cần khoản tiền để chi trả cho các nhu cầu trước mắt.

Như vậy, chưa kịp chờ đến khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực (đến 1/1/2016 mới có hiệu lực) thì Điều 60 của luật này đã phải tạm dừng thực thi, để trở lại áp dụng quy định tương đương với luật cũ.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã phải nhìn nhận đây là trường hợp đáng tiếc, hiếm gặp trong việc xây dựng pháp luật. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì cho rằng quả thực không vui nổi khi Luật Bảo hiểm xã hội bị một bộ phận người lao động phản ứng. Theo đại biểu Phương, quy định của Điều 60 là phù hợp với xu thế, khắc phục tình trạng mỗi năm Nhà nước bỏ ra 3.000 tỷ đồng trợ cấp xã hội, cần phải làm sao để người lao động hiểu và đồng thuận.     

Tin bài liên quan