Những vụ việc liên quan đến bất động sản mất rất nhiều thời gian

Những vụ việc liên quan đến bất động sản mất rất nhiều thời gian

Không thể để doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian cho một vụ kiện

(ĐTCK) Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt để phá bỏ những cách làm cũ đã gắn chặt với ngành tòa án và thi hành án bấy lâu nay, thì mục tiêu giảm một nửa thời gian giải quyết tranh chấp thương mại từ 400 ngày xuống 200 ngày vào cuối năm 2015, mà Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015, khó có thể hoàn thành.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, những trường hợp vụ án đơn giản, đương sự tích cực hợp tác thì các tòa án cấp quận, huyện kết thúc giai đoạn xét xử nhanh nhất cũng khoảng 2 tháng.

Một tòa án cấp huyện tại miền Trung cho biết, từ khi thụ lý đến khi tuyên án phải mất tổng thời gian như sau: số vụ kết thúc trong thời gian 3 tháng chiếm tỷ lệ 50%, 4 tháng có tỷ lệ 10%, 6 tháng là 20%, 12 tháng là 10%, trên 12 tháng là 10%. Đáng chú ý, tại đơn vị này, số phiên tòa phải hoãn chiếm 70%, trong đó phải hoãn phiên tòa 2 lần chiếm 30%, hoãn 3 lần chiếm 3%.

Tòa án tại một thành phố chia sẻ, số vụ kết thúc trong thời hạn 3 tháng chiếm tỷ lệ 5%, trong thời hạn 4 tháng là 40%, 6 tháng là 40%, trong 12 tháng là 14%, trên 12 tháng là 0,7%. Bình quân số vụ phải hoãn phiên tòa so với số vụ đã giải quyết chiếm 70%, trong đó hoãn 2 lần chiếm 10%, hoãn 3 lần trở lên chiếm 3%.

Nguyên nhân dẫn đến quá hạn giải quyết nhiều vụ án là do quá tải, do chậm có kết quả định giá, giám định, do đương sự đối phó, phát sinh thêm thủ tục, thời gian chờ đợi mỗi lần lấy lời khai, thu thập chứng cứ, hòa giải…

"xu hướng ở các nước trên thế giới đều tìm cách giải quyết nhanh loại việc tranh chấp thương mại, bởi vì đối với DN, thời gian là tiền bạc, là cơ hội kinh doanh, không thể để DN mất quá nhiều thời gian cho một vụ kiện".

Nếu tính toán theo lý thuyết thì từ khi nhận đơn đến khi hết thời hạn kháng nghị, thời gian tối đa mà luật quy định đối với vụ án đơn giản cũng mất từ 6 - 7 tháng, vụ án phức tạp phải mất đến 8 tháng (chưa tính trường hợp phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nhiều lần, hoãn phiên tòa 2 lần trở lên, phải ủy thác tư pháp…).

Phức tạp và kéo dài nhất là giai đoạn thi hành phán quyết của tòa. Theo một số trung tâm bán đấu giá tài sản, giai đoạn xác minh tài sản và bán đấu giá mất nhiều thời gian nhất vì có trường hợp sau nhiều lần giảm giá mới bán được, có trường hợp không bán được. Bên cạnh đó, dù Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản đã quy định tại Điều 28 là đối với bất động sản (BĐS), tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có BĐS bán đấu giá và UBND xã, phường, thị trấn nơi có BĐS bán đấu giá chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá, nhưng thực tế cho thấy, cơ quan bán đấu giá thực hiện thủ tục này trong nhiều trường hợp không thể sớm hơn 45 ngày.

Đối với BĐS là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà khi đã bán đấu giá thành công, khâu hoàn tất thủ tục giấy tờ mất không ít thời gian do cơ quan cấp giấy tiến hành các thủ tục, kiểm tra, xem xét giống hệt như việc mua bán bình thường. Gặp trường hợp nhà xây chưa hoàn công, hoặc có sai biệt so với giấy phép, thì phải chờ đợi thời gian rất dài mới kết thúc được việc thi hành án. Bình quân, thời gian thi hành xong vụ việc khoảng 6 - 8 tháng.

Các thẩm phán cho biết, giải quyết tranh chấp hợp đồng gặp nhiều khó khăn từ việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; phía bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không hợp tác với tòa án; những vụ án có đương sự, tài sản ở nước ngoài phải ủy thác tư pháp, trong khi hiện nay việc ủy thác phần lớn là không hiệu quả…

Đáng lưu ý, pháp luật tố tụng hiện hành không có quy định gì khác biệt về thủ tục tố tụng khi giải quyết quan hệ tranh chấp kinh doanh thương mại với quan hệ tranh chấp dân sự. Trong khi đó, xu hướng ở các nước trên thế giới đều tìm cách giải quyết nhanh loại việc tranh chấp thương mại, bởi vì đối với DN, thời gian là tiền bạc, là cơ hội kinh doanh, không thể để DN mất quá nhiều thời gian cho một vụ kiện.

Nhiều nước quy định, đương sự không hợp tác với tòa án, không xuất trình được chứng cứ chứng minh, không giao nộp tài liệu, chứng cứ đúng thời hạn quy định sẽ bị xử thua kiện, trừ trường hợp bất khả kháng, do trở ngại khách quan.

Ông Tưởng Duy Lượng, chuyên gia Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID nhận xét, thời gian giải quyết tranh chấp thương mại chưa được rút ngắn theo yêu cầu.    

Tin bài liên quan