Không phải công ty đại chúng có được áp dụng Điều lệ mẫu?

Không phải công ty đại chúng có được áp dụng Điều lệ mẫu?

(ĐTCK) Nếu như nhiều cổ đông của các công ty đại chúng than phiền về việc doanh nghiệp không chịu áp dụng Điều lệ mẫu, thì trong trường hợp của CTCP P. trụ sở tại Hải Dương, cổ đông lại khởi kiện vì Công ty áp dụng Điều lệ mẫu khi không phải là doanh nghiệp đại chúng.

Tháng 9/2018, CTCP P. tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên tại một khách sạn ở Hà Nội. Công ty có 38 cổ đông, đại hội có sự tham gia của 23 cổ đông đại diện hơn 98% cổ phần. ĐHCĐ có bổ sung các nội dung như miễn nhiệm thành viên HĐQT, sửa đổi điều lệ. Sau đó, ĐHCĐ đã thông qua các báo cáo của HĐQT, ban kiểm soát...; miễn nhiệm thành viên HĐQT là ông Lương Quang T. (trú tại Hải Dương), sửa đổi Điều lệ Công ty và một số nội dung khác.

Sau ĐHCĐ, ông Lương Quang T. (nắm giữ 9,26% vốn) và ông Phạm Ngọc T. (nắm giữ 5,47% vốn, trú tại Bắc Ninh) yêu cầu tòa án hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ năm 2018 của Công ty. Theo đó, bên yêu cầu cho rằng, việc tổ chức ĐHCĐ vi phạm về trình tự thủ tục triệu tập họp: Gửi thông báo mời họp không đúng thời hạn, không gửi tài liệu sử dụng cho cuộc họp, việc bổ sung nội dung của chương trình họp không đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Trình tự ra quyết định và nội dung ra quyết định cũng sai quy định. Các nội dung và chương trình họp ghi tại thư mời gửi cổ đông không được thảo luận và biểu quyết thông qua.

Trong khi đó, ĐHCĐ thông qua việc áp dụng Điều lệ mẫu áp dụng cho công ty đại chúng, ban hành kèm theo Thông tư 95/2017/TT-BTC thay thế cho Điều lệ hiện hành. Công ty không đưa ra dự thảo Điều lệ để thảo luận, mà áp dụng luôn Điều lệ mẫu. Hai cổ đông trên cho rằng, Công ty P. không có đủ 100 cổ đông, không phải là công ty đại chúng, không là đối tượng áp dụng của Thông tư 95, Nghị định 71 về quản trị công ty đại chúng.

Ngoài ra, tỷ lệ thông qua điều lệ mới chỉ đạt 65,3% cổ phần có quyền biểu quyết, không đủ mức quy định tại Điều lệ Công ty là 80%. Việc bãi miễn thành viên HĐQT được thông qua với tỷ lệ 61%, trong khi điều lệ hiện hành quy định tỷ lệ này tối thiểu là 75%.

Lý giải việc áp dụng Điều lệ mẫu, đại diện Công ty P. cho rằng, Công ty là công ty đại chúng với vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gần 100 người. Điều 51 Điều lệ Công ty có quy định: Trường hợp có những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của Công ty chưa được đề cập trong Điều lệ Công ty, hoặc khi pháp luật thay đổi khác với quy định của Điều lệ Công ty, thì những quy định pháp luật đó đương nhiên được áp dụng và điều chỉnh hoạt động Công ty.

Điều lệ cũ được thông qua từ năm 2008. Do đó, Công ty P. tự động áp dụng các quy định mới. Chẳng hạn, việc thông qua điều lệ mới chỉ cần tỷ lệ từ 65% cổ phần có quyền biểu quyết trở lên theo Luật Doanh nghiệp 2014, không cần thiết đảm bảo tỷ lệ 80% như điều lệ cũ. Việc bãi miễn thành viên HĐQT không cần đạt tỷ lệ 75% như điều lệ cũ.

Đại diện Công ty P. cũng giải thích thêm, ông Lương Quang L. luôn có ý kiến phản đối và không thống nhất với HĐQT về định hướng phát triển Công ty. Ông L. đã lôi kéo một số cổ đông khác ngăn cản việc thông qua các nghị quyết của HĐQT, khiến hoạt động của Công ty bị trì trệ.

Tòa án đã quyết định chấp nhận đơn yêu cầu của 2 cổ đông trên, hủy Nghị quyết ĐHCĐ 2018 với lý do việc tổ chức Đại hội vi phạm trình tự thủ tục, việc ra quyết định và nội dung nghị quyết cũng có vi phạm.

Theo tòa án, năm 2010, Công ty P. đã sửa đổi, bổ sung Điều lệ. Do đó, đến thời điểm tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018, Điều lệ năm 2010 đang có hiệu lực và phải được tuân thủ. Theo quy định pháp luật và điều lệ này, việc tổ chức ĐHCĐ có nhiều vi phạm, thời hạn gửi thư mời không đảm bảo, không gửi tài liệu, nội dung bổ sung vào chương trình họp không được gửi đến Công ty trước 3 ngày và bằng văn bản...   

Việc áp dụng Điều lệ mẫu đòi hỏi điều kiện nhất định...

Tòa án cũng cho rằng, Công ty P. chỉ có 38 cổ đông, không đảm bảo số lượng tối thiểu 100 cổ đông theo quy định. Do đó, Công ty P. không phải là công ty đại chúng. Nghị định 71 và Thông tư 95 chỉ điều chỉnh đối với công ty đại chúng. Tỷ lệ thông qua Điều lệ mới chỉ có 65%, không đạt tỷ lệ tối thiểu 80% lượng cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều lệ Công ty, tỷ lệ bãi miễn thành viên HĐQT cũng không đạt 65% trở lên.

Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), dù không phải công ty đại chúng, doanh nghiệp vẫn có thể áp dụng các quy định về quản trị dành cho công ty đại chúng, hoặc thậm chí những tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp khắt khe hơn nữa. Tuy nhiên, việc áp dụng đòi hỏi điều kiện nhất định.

Điều lệ công ty là bộ luật nội bộ giữa các cổ đông, nên phải được cổ đông thông qua trong một ĐHCĐ “hoàn hảo” về thủ tục trình tự tổ chức, cũng như trình tự ra quyết định, nội dung quyết định. Nếu có bất cứ sơ xuất nào, nghị quyết ĐHCĐ có nguy cơ bị hủy khi cổ đông yêu cầu tòa án.

Tin bài liên quan