Sau khi bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường, TCTD không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu nhận về

Sau khi bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường, TCTD không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu nhận về

Khó khăn phát mãi tài sản xử lý nợ sẽ sớm được dỡ bỏ

(ĐTCK) Trả lời ĐTCK, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, cái khó lớn nhất trong xử lý nợ xấu chính là khâu phát mãi tài sản, nhưng với các cơ chế đã và chuẩn bị ban hành sắp tới sẽ sớm tháo gỡ được nút thắt này. Có như vậy, quá trình xử lý nợ xấu mới có thể đẩy nhanh hơn.

BCTC quý II/2015 của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu vẫn chưa dừng, phải chăng do các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, điều này có đáng lo ngại, thưa ông?

Nợ xấu tăng hay không là do các khoản tín dụng cấp trước đây chưa được giám sát chặt chất lượng tín dụng để lại hậu quả nợ xấu, chứ không phải từ những khoản vay mới, bởi các ngân hàng cũng đã chú trọng quản trị rủi ro trong cấp tín dụng cũng như đáp ứng các yêu cầu về trích lập dự phòng.

Chẳng hạn, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do NHNN TP. HCM phối hợp với UBND Thành phố triển khai chỉ cho vay các đối tượng doanh nghiệp nằm trong danh sách sau khi được sàng lọc từ Sở Công thương và các UBND quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

Vì vậy, sau gần 3 năm triển khai, không một doanh nghiệp nào trong số này phát sinh nợ xấu và tăng trưởng dư nợ khá tích cực. Dòng tín dụng dần được “nắn” vào sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Khó khăn phát mãi tài sản xử lý nợ sẽ sớm được dỡ bỏ ảnh 1

TS. Trần Du Lịch,
 

Nói vậy có nghĩa, không còn lo ngại nợ xấu tái tăng trở lại trong thời gian tới?

Với việc kiểm soát và thận trọng của các ngân hàng trong cho vay hiện nay thì không đáng lo nợ xấu tái tăng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất, theo tôi, đó là quy định nới tỷ lệ cho vay vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 30% lên 60% theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực kể từ tháng 2/2015.

Theo đó, một số doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn tín dụng từ ngắn sang trung, dài hạn để tránh nợ quá hạn, nợ xấu. Số nợ xấu này sẽ phát sinh trong năm tới khi khoản nợ đến kỳ đáo hạn. Tuy nhiên, nếu phía ngân hàng có thể hoàn thành tốt trong việc thu hồi nợ cũng như hoạt động của doanh nghiệp phục hồi có nguồn thu trả được nợ thì cũng không quá lo ngại nợ xấu phát sinh. Mặt khác, nếu bất động sản hồi phục, ngân hàng có điều kiện xử lý và thu hồi nợ.

Xử lý nợ chưa được như kỳ vọng và nhiều người cho rằng, VAMC vẫn chỉ mới gom nợ xấu từ các ngân hàng. Ông đánh giá sao về ý kiến này?

Theo tôi, nhờ có VAMC mới làm “sạch” được nợ xấu của các ngân hàng. Sau khi bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng phải tăng trích dự phòng từ nguồn lợi nhuận. Nếu sau 5 năm, các ngân hàng trích lập đủ 100% cho khoản nợ xấu đã bán cho VAMC thì xem như đã xử lý được khoản nợ đó.

Trong trường hợp, khoản nợ xấu được xử lý, ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng. Mục tiêu trước hết đối với hoạt động của các ngân hàng là đảm bảo an toàn hoạt động. Vì thế, việc phải hy sinh lợi nhuận và phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông là cổ tức cũng là điều ngân hàng nên làm hiện nay.

Vướng mắc lớn nhất trong phát mãi tài sản, xử lý nợ xấu khi nào sẽ được gỡ bỏ, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay chính là khâu phát mãi tài sản đảm bảo. Nhưng điều này sẽ được gỡ bỏ trong thời gian tới khi Chính phủ ra Nghị quyết yêu cầu sớm giải quyết tắc nghẽn trong việc xử lý các thủ tục hành chính phát mãi tài sản đảm bảo.

Theo đó, tài sản đảm bảo phát mãi phải là tài sản thực, được định giá thực với mặt bằng giá thị trường, thay vì giá ảo khi con nợ và chủ nợ không chịu giảm giá bán khi thị trường đi xuống.

Vì thế, không chỉ con nợ mà chủ nợ cũng phải tính đến chuyện hy sinh quyền lợi để có thể thu hồi nợ. Chẳng hạn, với khoản vay rơi vào nợ xấu, nhưng ngân hàng đã trích lập dự phòng được 40%, thì khi phát mãi tài sản đảm bảo có thể chấp nhận bán lỗ 40%.

Theo ông, việc mua - bán nợ xấu theo cơ chế thị trường có sớm được triển khai?

Hiện vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý tài sản đảm bảo chính là quyền của con nợ. Nếu con nợ không hợp tác thì chủ nợ không xử lý được tài sản đảm bảo đó. Vì vậy, trước mắt phải xử lý được vấn đề này và đưa ra quyền xử lý đối với chủ nợ, nếu khoản nợ đến thời kỳ đáo hạn, khách hàng không trả được nợ thì chủ nợ có quyền đem khoản nợ đó ra đấu giá.

Có như vậy mới thị trường hóa được tài sản khoản nợ. Tuy nhiên, đó là điều kiện cần, còn điều kiện đủ, là con nợ phải phối hợp tiếp tục trả phần thiếu hụt của khoản nợ, nếu tài sản đảm bảo bán đi không đủ để trả hết cho khoản nợ. Tôi cho rằng, vấn đề này phải làm quyết liệt mới thành công.

Bên cạnh đó, ngày 28/8, NHNN đã ban hành Thông tư số 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2015. Thông tư này được kỳ vọng sẽ tác động lớn tới hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu qua VAMC, do có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, tăng thêm lựa chọn cho các TCTD bán lại nợ xấu, để họ cân nhắc các phương án xử lý nợ xấu và tái tạo, sử dụng nguồn vốn và lợi ích liên quan.

Cụ thể, Thông tư 14 quy định việc VAMC mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường bằng phát hành trái phiếu trực tiếp cho TCTD bán nợ xấu, bên cạnh trái phiếu đặc biệt với cơ chế đã có. Với hình thức này, trái phiếu phát hành qua việc mua theo giá trị thị trường thực sự là một tài sản gắn với các lợi ích cụ thể để các TCTD cân nhắc bán lại nợ xấu cho VAMC, dĩ nhiên phải được tổ chức này chấp thuận mua, xác định giá mua…

Sau khi bán lại nợ xấu và TCTD sở hữu trái phiếu thì không phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đó. Các TCTD được xác định hệ số rủi ro của trái phiếu là 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong khi với trái phiếu đặc biệt là 20%.

Như vậy, tiến trình xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới, thưa ông?

Theo tôi được biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo, yêu cầu chỉnh sửa các thủ tục trên để có thể sớm xử lý các vấn đề khó khăn trong quá trình phát mãi tài sản.

Tài sản đảm bảo được ví như những chiếc xe “chết máy” phải “ném” bên lề đường. Nhưng nếu vất đi quá nhiều xe, trên đường sẽ không còn xe chạy nên cần để các tài sản đảm bảo đó hoạt động trở lại, thay vì nằm bất động quá lâu và quá nhiều. Đó cũng là một cách để tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản, luân chuyển được tài sản và xử lý nợ xấu nhanh hơn.

Tin bài liên quan