Nên sử dụng safeweb như một điều kiện kinh doanh thương mại điện tử cho các website thương mại điện tử

Nên sử dụng safeweb như một điều kiện kinh doanh thương mại điện tử cho các website thương mại điện tử

Khắc phục “lỗ hổng” tiếp tay cho lừa đảo trên mạng

(ĐTCK) Cùng với sự bùng nổ của Internet và các mạng xã hội, kinh doanh trên mạng hay nói rộng hơn là thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến. Thực tế đã xuất hiện không ít trường hợp lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nhưng khó có thể xử lý vì thiếu các chế tài.

Khung pháp lý đã có

Thương mại điện tử về cơ bản là việc ứng dụng các phương tiện điện tử vào hoạt động kinh doanh, thương mại. Chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử bên cạnh việc tuân thủ các quy định trực tiếp về thương mại điện tử, còn phải thực hiện các quy định pháp luật liên quan khác như đầu tư kinh doanh, thương mại, dân sự.

Với sự ra đời của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, cùng Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử, khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử được đánh giá là có những thay đổi đáng kể trong năm 2014.

Những lỗ hổng pháp lý trước đó như thông tin đăng ký website thương mại điện tử sơ sài, thiếu quy phạm bảo vệ thông tin khách hàng là cá nhân, thiếu quy phạm quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên các mạng xã hội,... đã được khắc phục đáng kể. Ngoài ra, để đảm bảo việc thực thi những quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại điện tử, Nghị định l85/20l3/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm khác nhau. 

Nhưng còn nhiều bất cập cần khắc phục

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều bất cập cần khắc phục. Cụ thể, chúng ta đang thiếu chế tài cho các hành vi vi phạm khi kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội và nền tảng thiết bị di động.

Bên cạnh website thương mại điện tử, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh đó, số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến tăng từ 45% năm 2013 lên 53% năm 2014.

Số doanh nghiệp sử dụng nền tảng di động như kênh liên lạc giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng ngày càng tăng. Do đó, quản lý các mạng xã hội kinh doanh thương mại điện tử cũng như nền tảng di động cũng không kém phần cấp thiết. Hiện nay, chưa có quy định quản lý thương mại điện tử trên nền tảng di động cũng như chế tài tương ứng với hành vi vi phạm. Mặc dù Điều 6 Thông tư 47/20l4/TT-BCT quy định việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, nhưng lại không có các chế tài cụ thể cho hành vi vi phạm.

Đáng chú ý là chúng ta quy định chưa rõ ràng đối với danh sách các website thương mại điện tử khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng. Quy định hiện hành cho phép Bộ Công thương công bố công khai trên cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Câu hỏi đặt ra, đây là điều kiện quản lý nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hay là cơ sở để cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện? Quy định hiện hành không giới hạn những người có quyền phản ánh website có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cũng không quy định chi tiết quy chế xác thực, dẫn tới rủi ro các đối thủ cạnh tranh lợi dụng phản ánh lẫn nhau.

Một bất cập khác là hiện chưa có các hướng dẫn chi tiết về quy trình giao kết hợp đồng mua hàng trực tuyến. Nghị định 52/2013/NĐ- CP dành 8 Điều ở Mục 2 để quy định về quy trình giao kết hợp đồng giữa người bán hàng trực tuyến với người mua.

Theo Điều 23 Nghị định 52, Bộ Công thương có trách nhiệm quy định cụ thể về quy trình giao kết hợp đồng trực tuyến trên website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức, cá nhân lập ra để mua hàng hóa, dịch vụ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết này.

Gần đây, chúng ta nhắc nhiều đến điều kiện kinh doanh với mong muốn hủy bỏ những quy định gây khó khăn, cản trở hoạt động của các doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này có lẽ cần xem xét quy định nhãn tín nhiệm như một điều kiện kinh doanh trong thương mại điện tử nhằm hạn chế tối đa nhiều website kinh doanh thương mại điện tử không an toàn và có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom) đã phối hợp với Trung tâm Phát triển thương mại điện tử thuộc Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử với tên gọi là Safeweb. Các website thương mại điện tử thuộc phạm vi cấp nhãn tín nhiệm bao gồm B2C, Sàn giao dịch thương mại điện tử và Nhóm mua. Nên chăng, sử dụng safeweb như một điều kiện kinh doanh thương mại điện tử cho các website thương mại điện tử?

Tin bài liên quan