“Kê đơn” trị căn bệnh “vốn khống”

“Kê đơn” trị căn bệnh “vốn khống”

(ĐTCK) Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi đang tìm cách khắc phục hạn chế của quy định hiện hành, nhằm ngăn ngừa hiện tượng “vốn khống” tại nhiều DN.

Làm đẹp DN bằng số vốn hoành tráng

Điểm đáng chú ý trong quá trình tổng kết thi hành Luật DN 2005, theo Ban soạn thảo Luật DN sửa đổi, là hạn chế của Luật đã dẫn đến hiện tượng vốn điều lệ của rất nhiều DN không thực sự đúng với số vốn mà các cổ đông thực góp vào công ty. Hệ quả là trên thực tế, phần lớn tranh chấp giữa thành viên, cổ đông trong công ty xuất phát từ việc các bên vi phạm nghĩa vụ góp vốn.

“Qua tổng kết thi hành Luật DN cho thấy, phần nhiều DN kê khai mức vốn điều lệ rất lớn và lớn hơn nhiều so với số vốn thực tế các thành viên, cổ đông đã góp vào công ty. Đây thường là các DN muốn tạo ấn tượng về khả năng tài chính trong kinh doanh, để thuận lợi hơn trong vay vốn ngân hàng, tham gia đấu thầu…”, ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban phụ trách Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổ phó Tổ biên tập Luật DN sửa đổi cho biết.

Theo ông Hiếu, hiện tượng “vốn khống” tại nhiều DN, do các thành viên, cổ đông không thực hiện góp vốn: không góp đủ, đúng hạn và như cam kết, thậm chí không góp vốn. Phần lớn DN không thực hiện nghĩa vụ thông báo tiến độ góp vốn với cơ quan đăng ký kinh doanh. Thực tế, cả cơ quan này và DN đều đang gặp khó khăn trong xử lý trường hợp cổ đông vi phạm nghĩa vụ góp vốn.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Ban soạn thảo Luật DN sửa đổi, là do cả cơ quan quản lý nhà nước và DN chưa hiểu đúng bản chất, ý nghĩa pháp lý về vốn của công ty. Một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật DN về góp vốn là việc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên trong việc góp vốn, cũng như định giá tài sản góp vốn. Thế nhưng, các bên chưa thực sự hiểu đầy đủ, thậm chí trong một số trường hợp còn vi phạm nguyên tắc này. Một số khái niệm liên quan về vốn và góp vốn trong Luật DN chưa được định nghĩa, giải thích rõ ràng và dễ hiểu như: giá trị danh nghĩa cổ phiếu, cam kết góp… Một số thuật ngữ về vốn công ty chưa được sử dụng thống nhất trong Luật DN và giữa Luật với các văn bản hướng dẫn thi hành. Chẳng hạn, Luật DN sử dụng thuật ngữ “cổ phần được quyền chào bán”, còn Nghị định 102/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN sử dụng thuật ngữ khác là “cổ phần đã phát hành”, “cổ phần được quyền phát hành”…

Đề xuất hướng xử lý

Để khắc phục tình trạng “vốn khống”, ông Hiếu cho biết, dự thảo Luật DN sửa đổi đã quy định rõ ràng, thống nhất các khái niệm về vốn công ty cổ phần. Theo đó, vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập DN là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty…

Đặc biệt, dự thảo Luật DN sửa đổi đã bổ sung quy định về thanh toán cổ phần đã được đăng ký mua khi đăng ký DN. Cụ thể, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, HĐQT phải thông báo yêu cầu thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua cho các cổ đông. Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cổ đông nhận được yêu cầu thanh toán, trừ trường hợp Điều lệ công ty, hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn... Nếu sau thời hạn này, cổ đông chưa thanh toán, thì đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác. Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được quyền chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác. Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cổ đông cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua…

Ban soạn thảo còn đề xuất quy định mới: cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cổ đông đó phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua. Thành viên HĐQT phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện, hoặc không thực hiện đúng quy định về góp vốn...   

Tin bài liên quan