Hôm nay, thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật quản lý sử dụng vốn

Hôm nay, thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật quản lý sử dụng vốn

Hôm nay, ngày 26/3/2014, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra sơ bộ Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (Luật QLSD vốn) nhằm quản lý trên 1 triệu  tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo báo cáo được Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2013), tính đến cuối năm 2012, tổng tài sản của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước là 2.569.433 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2011; vốn chủ sở hữu là 1.019.578 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2011. Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên trên 921.000 tỷ đồng năm 2012. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang tạo việc làm cho khoảng 1,255 triệu lao động.

Một khối lượng tài sản khổng lồ của Nhà nước, nhưng hiện tại chỉ được quản lý bằng các văn bản quy phạm dưới luật do Luật Doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/2010, vì vậy, theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, việc sớm thông qua luật quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy định về giám sát các hoạt động quản lý, sử dụng vốn… đã trở nên bức thiết.

“Chừng nào việc quản lý, giám sát vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp mới chỉ dừng ở cấp nghị định, thì việc quản lý, giám sát hoạt động đầu tư, sử dụng vốn tại doanh nghiệp khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Bài học đầu tư ngoài ngành tràn lan là minh chứng rõ nét nhất”, ông Doanh phát biểu.

Theo Dự thảo Luật QLSD vốn, toàn bộ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; các khoản phải nộp ngân sách được trích để lại; nguồn quỹ đầu tư phát triển; giá trị quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài nguyên… tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ sẽ chịu sự quản lý, giám sát của chủ sở hữu (các bộ ngành và UBND cấp tỉnh).

Ông Phạm Đình Soạn, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, hạn chế, yếu kém trong điều hành; tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý vốn tại doanh nghiệp chủ yếu từ nguồn vốn mà doanh nghiệp đi vay, vốn huy động và các nguồn vốn khác, chứ ít xảy ra đối với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vì nguồn vốn này hầu hết đều nằm ở tài sản cố định. Vì vậy, theo ông Soạn, cần phải mở rộng phạm vi quản lý vốn tại doanh nghiệp ra cả đối với các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước; các khoản phải nộp ngân sách được trích để lại; quỹ đầu tư phát triển… mới có thể kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

 “Doanh nghiệp nhà nước có nhiều bệnh và đều là trọng bệnh. Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của khu vực kinh tế này đã gây ra khá nhiều bức xúc trong dư luận xã hội và gần đây lại càng trở nên bức xúc. Vì vậy, cần phải có văn bản pháp pháp lý cao nhất để có công cụ giám sát”, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp) đồng tình với việc xây dựng văn bản pháp lý toàn diện liên quan đến mọi vấn đề từ đầu tư đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản mà Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể doanh nghiệp Nhà nước không nắm giữ 100% vốn.

Tuy nhiên, ông Huệ lại cho rằng, Nhà nước chỉ nên quản lý phần vốn đầu tư vào doanh nghiệp từ ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách nhà nước, còn phần vốn khác do doanh nghiệp huy động, thì để doanh nghiệp tự quản lý. Bởi theo ông Huệ, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào việc quản lý, sử dụng toàn bộ vốn liếng, tài sản của doanh nghiệp, mà chỉ tập trung quản lý, giám sát phần vốn mà Nhà nước đầu tư.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội, ông Đặng Văn Thanh băn khoăn, nếu như Luật QLSD vốn chỉ điều chỉnh đối với công ty mẹ thuộc các tập đoàn, tổng công ty và công ty TNHH một thành viên độc lập 100% vốn nhà nước, thì như vậy, hàng ngàn doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước sẽ không bị điều chỉnh bởi luật này và cũng chưa biết việc quản lý, giám sát nguồn vốn này được thực hiện bởi luật nào.

“Vấn đề đặt ra là, doanh nghiệp còn 5-10%, thậm chí còn tới 80-90% sẽ được quản lý bằng luật nào?”, ông Thanh đặt câu hỏi và cho rằng, với những doanh nghiệp còn dưới 100% vốn nhà nước, thì tùy thuộc vào mức độ góp vốn khác nhau, trách nhiệm của Nhà nước đối với phần vốn của mình cũng phải được quản lý chặt chẽ với tư cách là cổ đông thường, cổ đông chi phối.

Theo ông Thanh, ngoài việc căn cứ vào tỷ lệ góp vốn, để bảo đảm quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả, còn phải căn cứ vào cả số tiền tuyệt đối mà Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp.

“Có doanh nghiệp, Nhà nước nắm trên 51% vốn, nhưng cũng chỉ có 5-10 tỷ đồng. Ngược lại, có doanh nghiệp, Nhà nước chỉ nắm 10-20% vốn, nhưng với số tiền lên tới nhiều chục tỷ đồng, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng mà không đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật QLSD vốn thì chưa ổn. Quan trọng nhất trong vấn đề quản lý vốn là làm sao vốn nhà nước phải bảo toàn, sinh sôi nảy nở, đem lại lợi ích gì cho quốc gia”, ông Thanh nói.