Hồi kết tranh chấp thi công tại dự án Great Dragon Hotel

Hồi kết tranh chấp thi công tại dự án Great Dragon Hotel

(ĐTCK) Nhà thầu thi công sai kỹ thuật làm lún nứt nhà dân, nhưng lại đổ lỗi cho chủ đầu tư khiến hai bên phải kéo nhau ra tòa. Vụ việc diễn ra từ tháng 7/2010 và mới đây đã có bản án từ phiên phúc thẩm.

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng xây lắp và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là CTCP Tư vấn xây dựng dân dụng và đô thị VACC (trụ sở tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) và bị đơn là CTCP Điện tử tin học viễn thông EITC (trụ sở tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Được biết, tháng 7/2010, hai bên ký kết hợp đồng xây lắp dự án Great Dragon Hotel (TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) do Công ty EITC làm chủ đầu tư.

Theo đó, Công ty VACC thực hiện nhiệm vụ thi công ép cọc cừ Larssen VI loại 12m và thi công xây dựng tòa nhà theo hồ sơ thiết kế.

Để thực hiện hợp đồng này, Công ty VACC ký hợp đồng thuê thiết bị thi công ép, rút cừ thép Larssen xây dựng tầng hầm của công trình. Trong quá trình thi công dự án đã gây ra lún nứt nhà dân, dẫn đến người dân có đơn thư khiếu nại.

Xung quanh trách nhiệm đối với tình trạng lún nứt nhà dân, phía thi công cho rằng, tình trạng lún nứt xảy ra từ tháng 1-4/2010, khi chủ đầu tư ép cọc bê tông làm nền móng công trình.

Các hộ dân đã có đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng của địa phương.

Trong quá trình giải quyết, Công ty EITC đã có biên bản cam kết đền bù cho các hộ dân, thừa nhận do ép cọc làm nền móng công trình gây lún nứt.

Tuy nhiên, Công ty EITC đền bù không thỏa đáng và nhiều lần vắng mặt trong các cuộc họp với người dân, dẫn đến các hộ dân cản trở không cho Công ty VACC thu hồi số cọc cừ 235 còn nằm tại công trình. Điều này khiến Công ty VACC chịu thiệt hại lớn do phải đi thuê lại của bên thứ 3.

Nguyên đơn yêu cầu tòa án buộc Công ty EITC phải bồi thường thiệt hại, bao gồm giá trị tài sản còn lại trên công trình và số tiền thuê cọc từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2014.

Đối với trách nhiệm bồi thường cho các hộ dân, Công ty VACC cho rằng, việc lún nứt xảy ra trước khi các bên ký hợp đồng nên Công ty không có trách nhiệm bồi thường, mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Trong khi đó, phía bị đơn cho rằng đơn vị thi công đã ép cừ không đúng chủng loại dài 12m, thi công không đúng kỹ thuật dẫn tới dòng cát chảy, nước chảy làm lún nứt công trình của các hộ dân xung quanh và một số hạng mục của Hạt Kiểm lâm ven biển. Công ty EITC cũng đưa ra dẫn chứng là các biên bản do bộ phận giám sát thi công lập.

Về bồi thường, phụ lục hợp đồng xây lắp quy định toàn bộ chi phí bồi thường do chủ đầu tư và nhà thầu tự thỏa thuận. Cho rằng lỗi gây ra thiệt hại chủ yếu là do nhà thầu thi công gây ra, nhưng Công ty EITC vẫn chấp nhận đền bù hơn 70% cho các hộ dân, Công ty VACC chịu 30% theo cam kết.

Theo bị đơn, Công ty VACC không thực hiện việc đền bù, mà chỉ đưa ra quan điểm “hỗ trợ”, hai bên không thống nhất được phương án bồi thường cho người dân.

Một số hộ dân sau khi nhận bồi thường còn thúc giục nhà thầu rút cọc cừ để họ xây dựng nhà ở, nhưng Công ty VACC không thi công rút cừ. Bị đơn khẳng định, không có việc người dân cản trở rút cừ như Công ty VACC nêu.

Sau khi mở tòa sơ thẩm, tòa án đã yêu cầu giám định tư pháp trong xây dựng để xác định nguyên nhân lún nứt là do lỗi của nhà thầu hay chủ đầu tư.

Tuy nhiên, các tổ chức giám định trong xây dựng là Sở Xây dựng Thanh Hóa, Cục giám định Nhà nước, Viện Khoa học công nghệ (thuộc Bộ Xây dựng) đều từ chối giám định.

Bên cho thuê thiết bị thi công - Công ty TNHH Thương mại và sản xuất H.L đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công liên đới bồi thường hơn 10 tỷ đồng tiền thuê cừ và 2,9 tỷ đồng giá trị thiệt hại 235 cây cừ còn nằm tại công trình.

Tòa án cho rằng, khi thi công, nhà thầu đã không thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, đưa vào một số cừ không đúng tiêu chuẩn 12m như hợp đồng quy định và được ghi nhận trong biên bản hiện trường.

Đáng chú ý, tuy có vi phạm, nhưng hai bên không yêu cầu chấm dứt hợp đồng, không phát sinh tranh chấp. Phần thiệt hại mà Công ty VACC yêu cầu Công ty EITC bồi thường là thiệt hại phát sinh ngoài hợp đồng.

Đối với phần thiệt hại này, tòa án cho rằng, không có cơ sở để chấp nhận bởi người dân chỉ có đơn khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết bồi thường, không có chứng cứ nào thể hiện việc rút cừ bị người dân cản trở.

Trên cơ sở nhận định này, tòa án bác yêu cầu khởi kiện của Công ty VACC. Đối với yêu cầu đòi tiền thuê (10 tỷ đồng) và giá trị cừ còn lại (2,9 tỷ đồng) của Công ty H.L, tòa án không xem xét vì nội dung không thuộc thẩm quyền giải quyết và giành quyền khởi kiện cho Công ty H.L.

Tin bài liên quan