Kiến thức về TTCK phái sinh đang được cơ quan quản lý truyền thông đến NĐT - Ảnh: Lê Toàn

Kiến thức về TTCK phái sinh đang được cơ quan quản lý truyền thông đến NĐT - Ảnh: Lê Toàn

Học cách quản trị rủi ro cho TTCK phái sinh

(ĐTCK) “Chủ động quản trị rủi ro hiệu quả, nhằm giảm thiểu các mặt tác động không tích cực của TTCK phái sinh, là một trong những yêu cầu quan trọng nhất mà cơ quan quản lý Việt Nam cần lưu ý, nếu muốn triển khai thành công TTCK phái sinh…”, GS. Yuta Seki, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu thị trường vốn Nomura, khuyến nghị.

Nhận diện rủi ro

“Là công cụ phòng vệ rủi ro, giúp NĐT tham gia thị trường cơ sở tự tin hơn, TTCK phái sinh sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của TTCK cơ sở...”, ông Yuta Seki cho biết tại Hội thảo “Quản lý rủi ro trên TTCK phái sinh - Kinh nghiệm của Nhật Bản”, do Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với Hiệp hội Các nhà phân tích chứng khoán Nhật Bản (SAAJ) tổ chức ngày 28/10.

Tuy nhiên, ông Yuta Seki cảnh báo, ở chiều ngược lại, TTCK phái sinh cũng bộc lộ nhiều rủi ro, cần được chủ động quản lý để giảm thiểu tác động tiêu cực. 7 rủi ro chính gồm: thị trường, đòn bẩy vốn, sức ép yêu cầu ký quỹ, pháp lý, thanh khoản, tín dụng và rủi ro hệ thống.

Trong đó, rủi ro đòn bẩy vốn khiến khoản thua lỗ của NĐT có thể bị khuyếch đại, bởi thực tế giá trị hợp đồng tính theo giá trị danh nghĩa thường lớn hơn nhiều so với giá trị ký quỹ. NĐT còn đối mặt với rủi ro sức ép yêu cầu ký quỹ, khi giá trị tài khoản ký quỹ bị thiếu do thay đổi về quy định, hoặc do xu hướng giảm giá chứng khoán. Rủi ro tín dụng khiến NĐT thua lỗ, do sự phá sản của các nhà môi giới, kinh doanh chứng khoán…

“Tuy nhiên, cơ quan quản lý Việt Nam không nên quá lo lắng về những rủi ro trên, mà e ngại triển khai TTCK phái sinh. Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh, triển khai thị trường này theo hướng phát huy tối đa mặt tích cực, đồng thời giảm thiểu các mặt tác động tiêu cực, sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK cơ sở phát triển theo hướng tăng thanh khoản, giảm thiểu rủi ro, gia tăng sản phẩm mới cho thị trường…”, ông Yuta Seki, nói. 

Chủ động “quản” rủi ro

Để quản trị rủi ro hiệu quả, Nhật Bản cũng như các nước đi trước trong triển khai TTCK phái sinh, đã sử dụng nhiều công cụ nhằm “cân đo” rủi ro trên thị trường này. Đi kèm với nhận diện được liều lượng của các rủi ro, cơ quan quản lý chủ động triển khai các biện pháp quản lý, nhằm giảm thiểu các mặt tác động tiêu cực của TTCK phái sinh.

Câu hỏi mà các thành viên thị trường quan tâm là với Việt Nam, lộ trình triển khai TTCK phái sinh nên theo hướng nào để giảm thiểu rủi ro? Ông Yuta Seki chia sẻ: trong thời gian đầu triển khai TTCK phái sinh, Nhật Bản triển khai các sản phẩm đơn giản, ít có tính rủi ro là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Cùng với độ chín của thị trường, mới triển khai thêm các sản phẩm phái sinh khác.

“Tuy TTCK phái sinh được triển khai ở Nhật Bản vào những năm 1970, nhưng đến nay, các sản phẩm phái sinh cổ phiếu chưa thực sự thành công, do chứa đựng nhiều rủi ro, tính đầu cơ cao. Đây là điều Việt Nam nên lưu ý…”, ông Yuta Seki khuyến nghị.

Trả lời câu hỏi của nguyên Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Đoan Hùng, Việt Nam muốn triển khai TTCK phái sinh thành công, thì ở giai đoạn ban đầu sự tham gia của các thành viên thị trường như thế nào, vai trò cụ thể của họ là gì…? Ông Yuta Seki chia sẻ, trên cơ sở cơ quan quản lý định ra các sản phẩm cụ thể triển khai, các Sở GDCK, tổ chức lưu ký chuẩn bị hệ thống giao dịch, thanh toán, bù trừ các sản phẩm phái sinh.

Cơ quan quản lý cũng cần thúc đẩy các CTCK, ngân hàng lưu ký tích cực tham gia chuẩn bị cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho NĐT… Đặc biệt, ngay từ bây giờ, nhà quản lý cần tích cực triển khai các chương trình đào tạo, tuyên truyền về TTCK phái sinh, để trang bị kiến thức cho các thành viên thị trường, lẫn công chúng đầu tư.

“Để triển khai TTCK phái sinh thành công, điều quan trọng là Việt Nam cần cân bằng 3 yếu tố: quản lý hiệu quả rủi ro, cải thiện thanh khoản, xử lý rủi ro của đòn bẩy vốn…”, ông Yuta Seki nói.

Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thị Liên Hoa cho biết, là sản phẩm tài chính bậc cao, phức tạp, để phát huy tối đa mặt tích cực của TTCK phái sinh trong phòng ngừa rủi ro, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của TTCK cơ sở, đồng thời giảm thiểu các tác động không tích cực, cùng với chuẩn bị khung pháp lý, hệ thống hạ tầng, UBCK đang và sẽ triển khai nhiều hình thức đào tạo, truyền thông về TTCK phái sinh.

Hoạt động này nhằm giúp các thành viên thị trường, công chúng đầu tư nắm bắt được các đặc tính, cũng như cách thức giao dịch các sản phẩm chứng khoán phái sinh, để đảm bảo triển khai thành công TTCK phái sinh như lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin bài liên quan