Hà Nội: thụ lý số án kinh doanh thương mại tăng 66,9%

Hà Nội: thụ lý số án kinh doanh thương mại tăng 66,9%

(ĐTCK) TAND TP Hà Nội vừa có tổng kết tình hình công tác năm 2013, theo đó, ngành Tòa án Hà Nội thụ lý 25.996 vụ án, tăng 2.474 vụ.Riêng án kinh doanh thương mại, tỷ lệ tăng cao nhất.
Án kinh doanh thương mại tăng mạnh nhất 66,9%; án lao động và án hành chính đều tăng ở ngưỡng 60%, riêng án hình sự giảm nhẹ 1,1%. Tòa án đã giải quyết được 96,7% số vụ án.

Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết đối với các án kinh doanh thương mại, toàn ngành thụ lý 1.424 vụ, tăng 66,9% (571 vụ); đã nhận 47 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Các tranh chấp chủ yếu là tranh chấp các hợp đồng tín dụng, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ… Việc giải quyết những loại án này gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa đồng bộ, thiếu văn bản hướng dẫn.

Tòa án đã hòa giải thành 419 vụ, giải quyết 1.284 vụ. Tuy nhiên còn 41 án quá hạn, chủ yếu do Thẩm phán hết nhiệm kỳ phải chuyển hồ sơ cho thẩm phán khác giải quyết hoặc đang chờ kết quả ủy thác tư pháp. Được biết, các án quá hán đã được Tòa án hai cấp lên kế hoạch xét xử.

Báo cáo tổng kết công tác của Tòa án Hà Nội còn cho thấy, trong án dân sự, tranh chấp chủ yếu vẫn là quyền sử dụng đất, tranh chấp tài sản liên quan đến quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất… Đây là các tranh chấp rất phức tạp, có nhiều khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, đương sự thường không hợp tác, gây khó khăn khi Tòa án triệu tập hoặc khi tiến hành thẩm định, định giá tài sản tranh chấp.

Hà Nội đã thụ lý 737 vụ án hành chính, đã giải quyết 684 vụ, 11 án quá hạn, 6 án bị hủy, 12 án bị sửa. Đa phần án hành chính là các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến đất đai, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ công trình trái phép. 

Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn 122 án quá hạn trong đó có 4 vụ được xác định là có lỗi chủ quan của thẩm phán; 28 án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án. Tổng số án bị hủy là 286 vụ, án sửa là 510 vụ, nguyên nhân là do áp dụng không đúng các quy định của pháp luật cũng như hướng dẫn của Tòa tối cao.

Nguyên nhân là một số thẩm phán và HĐXX chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ, chưa chú trọng đến công tác tranh tụng tại phiên tòa, chưa áp dụng đúng các quy định của pháp luật về việc cho hưởng án treo, chưa tích cực tác động hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết vụ án.

Tin bài liên quan