Hà Nội: Bồi thường đất đai vẫn là tâm điểm khiếu kiện

Hà Nội: Bồi thường đất đai vẫn là tâm điểm khiếu kiện

(ĐTCK) Hơn 90% án kiện hành chính ở Hà Nội liên quan lĩnh vực đất đai, đặc biệt là khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án.

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết án hành chính khu vực phía Bắc, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Trưởng Phòng 10 (Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật) của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội cho biết, hơn 90% án kiện hành chính ở Hà Nội liên quan lĩnh vực đất đai.

Cụ thể, từ 1/7/2016 đến 30/9/2018, tổng thụ lý mới án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội là 945 vụ, đã giải quyết 253 vụ, còn lại 692 vụ. Trong đó, có khoảng 90% án kiện có nội dung liên quan đất đai.

“Đây là lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm nhất đời sống xã hội” – bà Nghĩa nhận xét. Trong số những quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiến kiện thì các quyết định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bị khiếu kiện nhiều nhất. Loại khiếu kiện này chiếm 80% tổng số án đã thụ lý.

Qua thực tiễn kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính về khiếu nại bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, có nhiều vấn đề cần xác định làm rõ như là thu hồi đất nhằm mục đích gì, trong trường hợp nào. Từ đây mới có thể xác định người bị thu hồi đất có được bồi thường hay không, hình thức bồi thường...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến nội dung xác định loại đất, xác định thời điểm bồi thường. Điều 74, Luật Đất đai quy định về nguyên tắc bồi thường thì trường hợp không có đất để bồi thường thì bồi thường bằng tiền theo giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm thu hồi đất.

Điều 69, Luật Đất đai cũng quy định UBND quyết định thu hồi đất, quyết dịnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong cùng một ngày.

Nhưng thực tế, quyết định thu hồi đất thường được ban hành trước, rồi mới lập phương án bồi thường và lúc này, giá đất đã thay đổi. Cho đến nay, Luật Đất đai và các nghị định có liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

Ngoài ra, vấn đề xác định loại đất cũng có khó khăn. Như trường hợp ông Nguyễn Đăng Đ. đã khởi kiện UBND quận Long Biên vì hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư với giá 50.000 đồng/m2.

Gia đình ông Đ. có 410 m2 đất nông nghiệp bị thu hồi do thực hiện dự án xây dựng cụm các công trình. Thông báo của UBND quận Long Biên kèm theo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ từng gia đình ghi nhận đây là đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư.

Vị trí đất nằm ven đường Nguyễn Văn Cừ, địa phận phường Gia Thụy. Do đó, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp thì còn được hỗ trợ từ 20 - 50% giá đất liền kề.

Tuy nhiên, UBND quận Long Biên đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung và hỗ trợ cho gia đình ông Đ. với mức là 50.000 đồng/m2. Vụ án đã qua 2 cấp xét xử và bị cấp giám đốc thẩm hủy án.

Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để xác định đất nông nghiệp xen kẽ giữa khu dân cư hay đất nông nghiệp để có căn cứ thực hiện.

Tin bài liên quan