Giao Tòa ra quyết định thi hành án?

(ĐTCK) Ngày hôm nay, Quốc hội thảo luận về Luật Thi hành án dân sự sửa đổi. Có đại biểu ví thi hành án là nỗi đoạn trường, nhiều người 5, 7, 10 năm sau, thậm chí chết rồi vẫn chưa được thi hành án. Do đó, sửa Luật Thi hành án dân sự trọng tâm phải làm sao để thi hành án nhanh chóng hơn.
Giao Tòa ra quyết định thi hành án?
Một nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) là quy định về thẩm quyền của TAND trong việc thi hành án, theo đó, Tòa án ra quyết định thi hành án.

Thực tế áp dụng Luật hiện hành từ năm 2008 đến nay cho thấy, Tòa án không có trách nhiệm đến cùng với bản án. Do sự cắt khúc giữa hai giai đoạn xét xử và thi hành án, nên sau khi ban hành bản án, quyết định, gần như Tòa án không theo dõi kết quả thi hành bản án, quyết định trên thực tế.

Một số bản án chậm được chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự, nội dung bản án chưa đảm bảo khả thi, rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Khi cơ quan thi hành án đề nghị giải thích thì không nhận được hoặc chậm nhận được trả lời, thậm chí một số trường hợp giải thích chưa rõ để thi hành.

Mặt khác, với việc triển khai thí điểm và mở rộng hoạt động của Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố, cũng cần thiết phải tạo điều kiện cho Thừa phát lại thí điểm tham gia hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành án.

Do đó, dự luật quy định giao TAND ra quyết định đưa bản án ra thi hành. Việc tăng cường thẩm quyền của tòa án trong việc thi hành án được một số đại biểu ủng hộ. Tuy nhiên, quy định cụ thể về việc giao Tòa án ra quyết định thi hành án còn nhiều ý kiến phản biện.

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), đúng là vai trò của tòa án còn mờ nhạt, án tuyên không rõ, không khả thi, khi đề nghị giải thích, đính chính thì Tòa án chậm đáp ứng nên không thể thi hành dẫn đến án kéo dài, khiếu kiện.

“Nhưng tăng thẩm quyền của tòa án không có nghĩa là đem thẩm quyền của cơ quaq hành pháp giao cho cơ quan tư pháp. Đây không phải là hoạt động tố tụng, tòa án chỉ xét xử còn thi hành bản án là trách nhiệm của cơ quan hành pháp. Cơ quan thi hành án chịu trách trách nhiệm trước pháp luật việc thi hành án” – đại biểu Vinh nói.

Hơn nữa, Tòa án ra quyết định thi hành án thì có thể dẫn đến không khách quan, khi tuyên bản án sao cho dễ thi hành. Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị đánh giá tác động việc giao cho Tòa án ra quyết định thi hành án có giải quyết được bất cập hiện tại, án tồn đọng có giảm? Vì sao phải phát sinh thêm thủ tục này?

Đại biểu Hồ Văn Năm, đại biểu Nguyễn Thái Học đều cho rằng, việc giao cho Tòa án ra quyết định thi hành án là không phù hợp, tòa chỉ chuyển giao bản án và cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định thi hành án. Hơn nữa, Luật Tổ chức TAND đang được sửa đổi thì sắp tới có thể có tòa án khu vực còn cơ quan thi hành án vẫn giữ nguyên như hiện nay. Việc giao cho tòa án ra quyết định có thể thêm một khâu mà đương sự phải làm đơn.

Trong khi đó, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM), bản án là một quyết định tư pháp là có giá trị bắt buộc thi hành với các cấp, các ngành nên thi hành án không chỉ là trách nhiệm của đương sự mà còn là trách nhiệm của cơ quan thi hành án, các cơ quan liên quan như ngân hàng, kho bạc phải cung cấp thông tin, hỗ trợ.

Do đó, đại biểu Nghĩa ủng hộ việc giao Tòa án ra quyết định thi hành án và cho rằng quy định như vậy là cần thiết để các đương sự, các bên có liên quan xác định thời điểm bản án phải được thi hành. Trước đây, thi hành án là trách nhiệm của Tòa án sau này mới chuyển sang cơ quan thi hành án.

Ngoài ra, hầu hết các đại biểu đều ủng hộ quy định cơ quan thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, tức là xác định tài sản của người thua kiện. Luật hiện hành giao trách nhiệm này cho người được thi hành án và thực tế, cá nhân rất khó có thể xác minh được tài sản của người phải thi hành án cũng như không thể có được xác nhận từ các cơ quan đang quản lý người phải thi hành án.

Do đó, quy định như dự thảo luật, cơ quan thi hành án có trách nhiệm xác minh tài sản của người thi hành án, đồng thời đảm bảo quyền của người được thi hành án vẫn có thể tự xác minh tài sản nếu có điều kiện.

Cũng trong chiều ngày 23/6, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Sáng mai, ngày 24/6, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc, kết thúc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Tin bài liên quan