Giải tỏa nhiều “điểm nghẽn” khi sửa Luật Đầu tư

(ĐTCK) “Dự án Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lấy ý kiến có nhiều điểm mới theo hướng tiếp tục mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các NĐT...”, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi với ĐTCK. 
Giải tỏa nhiều “điểm nghẽn” khi sửa Luật Đầu tư

Sau 8 năm áp dụng, Luật Đầu tư đã bộc lộ không ít hạn chế, tác động không tích cực đến nỗ lực cải cách môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng và minh bạch hơn. Những hạn chế cụ thể đó là gì, thưa ông?

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đã tổng kết thi hành Luật và kết quả cho thấy, việc ban hành Luật Đầu tư năm 2005 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam. Cùng với Luật Doanh nghiệp được thông qua và có hiệu lực thi hành vào cùng thời điểm (1/7/2006), lần đầu tiên sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam có một khung pháp luật về đầu tư, áp dụng thống nhất cho các NĐT và DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Những quy định của Luật Đầu tư đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các NĐT bằng việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng hơn giữa các NĐT.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm áp dụng, ngoài những kết quả tích cực, Luật Đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế: lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư còn dàn trải, thiếu tính thống nhất và chưa thật sự hướng mạnh vào thu hút các dự án đầu tư với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Các quy định về điều kiện và thủ tục đầu tư còn thiếu tính minh bạch, khả thi và đồng bộ, chưa thật sự tạo lập được mặt bằng pháp lý bình đẳng cho NĐT trong nước và NĐT nước ngoài... Các quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn phức tạp, tồn tại nhiều đầu mối xem xét, giải quyết, không phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và DN.

Mặt khác, Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt với các nước trên thế giới, trong khi năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung, sức cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng còn nhiều hạn chế. Do vậy, để thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, cần tăng cường  tính minh bạch, thông thoáng và ổn định của hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư.

Một bức xúc nổi cộm trong áp dụng Luật Đầu tư là sự không rõ ràng về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động đầu tư gián tiếp, cũng như khái niệm NĐT nước ngoài. Bất cập này có được khắc phục khi sửa Luật không, thưa ông?

Luật Đầu tư hiện hành có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát cả hoạt động đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Tuy nhiên, ngoài khái niệm và hình thức đầu tư gián tiếp, Luật không quy định cụ thể nội dung, thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp. Bất cập này tạo ra sự chồng chéo với Luật Chứng khoán, gây nhiều khó khăn trong xác định điều kiện, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trên TTCK. Do vậy, Dự thảo Luật giới hạn lại phạm vi điều chỉnh theo hướng chỉ quy định các hoạt động đầu tư trực tiếp, đồng thời phân định rõ hoạt động đầu tư trực tiếp được điều chỉnh bởi Luật và hoạt động đầu tư gián tiếp theo quy định của Luật Chứng khoán.

Khái niệm NĐT nước ngoài chưa được quy định rõ trong Luật Đầu tư hiện hành, nên gây nhiều lúng túng trong áp dụng điều kiện, thủ tục đầu tư đối với NĐT nước ngoài/DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hạn chế này làm phát sinh hầu hết các vướng mắc trong áp dụng các quy định về điều kiện và thủ tục đầu tư đối với NĐT nước ngoài. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật quy định khái niệm NĐT nước ngoài căn cứ vào quốc tịch, nơi đăng ký thành lập của cá nhân, tổ chức nước ngoài, cũng như tỷ lệ sở hữu, mức độ tham gia quản lý của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong DN đã thành lập tại Việt Nam. 

Một bức xúc nữa mà NĐT nước ngoài thường phản ánh tại nhiều diễn đàn là Luật Đầu tư hiện hành và các quy định pháp lý liên quan còn tồn tại nhiều quy định mang tính phân biệt đối xử giữa NĐT trong nước và NĐT nước ngoài. Thưa ông, bất cập này có được khắc phục trong Dự thảo Luật sửa đổi?

Theo đánh giá của các NĐT, môi trường pháp lý của Việt Nam còn tiềm ẩn rủi ro do việc thi hành pháp luật và điều ước quốc tế chưa thật sự nhất quán, còn tồn tại trên thực tế sự phân biệt đối xử giữa các NĐT và chưa có cơ chế minh bạch, chắc chắn cho việc thực hiện biện pháp bảo đảm đầu tư. Trong Báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh, Ngân hàng thế giới vẫn coi cơ chế bảo vệ NĐT là một trong những vấn đề Việt Nam cần quan tâm cải thiện, nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư an toàn, tin cậy và có sức hấp dẫn. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời cập nhật cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã thỏa thuận trong thời gian qua, Dự thảo khẳng định nguyên tắc: Nhà nước bảo đảm đối xử công bằng, thỏa đáng và không phân biệt đối xử giữa NĐT trong nước và NĐT nước ngoài trong hoạt động đầu tư phù hợp với điều kiện, lộ trình quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo còn bổ sung quy định bảo đảm đầu tư trong trường hợp pháp luật thay đổi ảnh hưởng đến lợi ích của NĐT theo hướng: không chỉ bảo đảm duy trì ưu đãi đầu tư, mà còn cam kết tiếp tục áp dụng điều kiện đầu tư đối với NĐT. 

Tư tưởng cải cách theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư được cụ thể hóa trong Dự thảo Luật ra sao, thưa ông?            

Khắc phục các bất cập hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi căn bản quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hướng: xác định rõ các yêu cầu NĐT phải thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương trong việc cung cấp thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng và các quy hoạch liên quan đến hoạt động đầu tư, làm cơ sở để NĐT chuẩn bị dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thay Giấy chứng nhận đầu tư bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm phản ánh mục đích, bản chất của loại giấy này là ghi nhận việc NĐT đăng ký thực hiện dự án đầu tư, không phải là Nhà nước xác nhận việc NĐT đã thực hiện dự án. Thu hẹp đáng kể diện các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm: dự án đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất; dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; dự án thuộc diện hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư…

Đặc biệt, Dự thảo nhấn mạnh việc thiết lập cơ chế “một cửa” tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thông qua Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo cơ chế này, NĐT chuẩn bị hồ sơ dự án đầu tư gồm dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư và tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng... Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức xem xét, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh về các nội dung thẩm tra, mà không yêu cầu NĐT phải đến từng cơ quan để thực hiện các thủ tục khác nhau.

Thưa ông, đâu là những điểm mới về lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư, cũng như các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư?

Các quy định về lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư được sửa đổi theo hướng tiếp tục mở rộng, khuyến khích đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới; các dự án đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn; các dự án đầu tư tại địa bàn kinh tế, xã hội khó khăn…

Một số lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo Luật Đầu tư hiện hành chưa được quy định rõ ràng, nên gây ra cách hiểu đa nghĩa, áp dụng tùy tiện. Mặt khác, việc áp dụng điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn do hầu hết cam kết quốc tế về điều kiện đầu tư đều được áp dụng trực tiếp, lại không có văn bản hướng dẫn. Do vậy, để nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng lĩnh vực đầu tư có điều kiện, Dự thảo Luật bổ sung quy định mới, yêu cầu bộ, ngành công bố công khai các điều kiện đầu tư đối với từng lĩnh vực phù hợp với pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo kế hoạch, dự án Luật Đầu tư sửa đổi, sau khi được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Tin bài liên quan