Song song với công tác cải cách TTHC, ngành Thuế sẽ có biện pháp mạnh để xử lý trường hợp cố tình trây ỳ tiền thuế của Nhà nước.  Ảnh: Thu Hằng

Song song với công tác cải cách TTHC, ngành Thuế sẽ có biện pháp mạnh để xử lý trường hợp cố tình trây ỳ tiền thuế của Nhà nước. Ảnh: Thu Hằng

Dừng xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp nợ thuế

Biện pháp dừng xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đang được cơ quan Thuế kỳ vọng sẽ ngăn chặn tình trạng trây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền thuế của không ít doanh nghiệp hiện nay.

Cây gậy chống nợ thuế

Theo Tổng cục Thuế, mặc dù đã áp dụng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế nhưng vẫn không làm giảm số nợ thuế. Tính từ năm 2011 đến nay, nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng trên cả nước. Tỷ trọng nợ thuế trên tổng số thuế thực thu năm 2011 là 8,16%, năm 2012 tăng lên 11,13%, năm 2013 là 11,21% và năm 2014 là 12,45%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng nợ thuế, theo Tổng cục Thuế ngoài khó khăn chung của nền kinh tế còn có nguyên nhân xuất phát từ sự trây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền thuế của người nộp thuế.

Mặc dù, ngành Thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế như: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại KBNN, tổ chức tín dụng; Yêu cầu phong toả tài khoản; Khấu trừ một phần lương hoặc thu nhập; Thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng; Kê biên tài sản... nhưng không đem lại hiệu quả. Và chỉ đến khi áp dụng hình thức dừng xuất cảnh đã thu hồi được toàn bộ hoặc một phần tiền nợ thuế. Tính đến hết năm 2014, mới có 9/63 địa phương thực hiện dừng xuất cảnh đối với 1.419 trường hợp trong năm 2013 và 2.598 trường hợp năm 2014.

Theo đề xuất của Tổng cục Thuế, các trường hợp bị dừng xuất cảnh gồm chủ DN tư nhân, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, con số này chưa cao và cần đẩy mạnh áp dụng biện pháp dừng xuất cảnh đối với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Bởi lẽ, theo kinh nghiệm của các quốc gia như: Hàn Quốc, Indonesia, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc) đã quy định áp dụng biện pháp từ chối xuất cảnh, nhập cảnh đối với trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và trở thành công cụ hữu hiệu trong ngăn ngừa nợ thuế.

Đối với Việt Nam, trong Luật Quản lý thuế 2006 đã quy định người Việt Nam xuất cảnh để định cư nước ngoài, người Việt Nam định cư nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm dừng việc xuất cảnh của cá nhân trong trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo thông báo của cơ quan quản lý thuế.

Theo quy định này thì trách nhiệm dừng xuất cảnh do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đảm nhiệm, còn thẩm quyền thông báo các trường hợp cá nhân bị dừng xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thuộc về cơ quan quản lý thuế. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản chung hướng dẫn cụ thể việc dừng xuất cảnh và giải toả việc dừng xuất cảnh; cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định các trường hợp chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh và tiêu chí xác định các trường hợp này; quy định về phối hợp giữa các bộ, ngành trong tổ chức thực hiện.

Vì vậy, để quy định cụ thể, thống nhất về các trường hợp bị dừng xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định Luật Quản lý thuế, trình tự thực hiện việc dừng xuất cảnh và giải toả việc dừng xuất cảnh, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, góp phần thu hồi các khoản tiền thuế, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, tiền chậm nộp tiền thuế vào NSNN, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Mở rộng đối tượng

Theo đề xuất của Tổng cục Thuế, các trường hợp bị dừng xuất cảnh là người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh từ Việt Nam bị dừng xuất cảnh gồm: Chủ DN tư nhân (là cá nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của DN); Chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu; Thành viên hợp danh của Công ty hợp danh (là cá nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty); Cá nhân là chủ hộ kinh doanh; Cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Những trường hợp bị dừng xuất cảnh trên được giải toả xuất cảnh nếu đã nộp đủ các khoản tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp phải nộp vào NSNN.

Định kỳ hàng tháng, cơ quan quản lý thuế xác định các trường hợp người nộp thuế là cá nhân người nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế để lập danh sách và gửi cho cơ quan xuất nhập cảnh Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Người Việt Nam xuất cảnh để định cư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài phải nộp đủ các khoản tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp vào NSNN chậm nhất là 3 ngày làm việc trước khi xuất cảnh từ Việt Nam.

Tin bài liên quan