Dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp cần lưu ý điều khoản “bất khả kháng”

(ĐTCK) Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng và hợp đồng có thể bị vi phạm bất cứ lúc nào thì doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến điều khoản “bất khả kháng” để có thể miễn trừ trách nhiệm cho nhau. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh. 
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh.

Yếu tố "bất khả kháng" là một điều khoản phổ biến trong các loại hợp đồng nhưng dường như doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm trong điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi. Vậy ông đánh giá như nào về điều khoản này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang chịu tác động lớn bởi dịch Covid 19?

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa hai hay nhiều bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền, nghĩa vụ, hay có thể hiểu là thỏa thuận giữa các bên để làm hoặc không làm một việc nào đó trong sự cho phép của pháp luật.

Ngoài các điều khoản chính để thực hiện các quyền, nghĩa vụ nhất định, các bên còn có thể đưa vào thỏa thuận điều khoản dự trù những thay đổi về điều kiện, yếu tố khách quan ảnh hưởng đến khả năng thực hiện hợp đồng và phương thức giải quyết thay đổi đó.

Sự kiện bất khả kháng là một trong những dự trù mà các bên cần tính đến trong hợp đồng, nhất là trong môi trường kinh doanh hội nhập sâu rộng, chịu nhiều biến động của khu vực và thế giới, tùy từng lĩnh vực cụ thể mà ít nhiều ảnh hưởng đến việc các bên trong hợp đồng không thể thực hiện được thỏa thuận từ trước.

Tuy nhiên, tại thời điểm đàm phán trong bối cảnh thuận lợi, đối với những hợp đồng có giá trị thấp hoặc do thói quen thương mại, các bên thường không coi trọng việc đưa vào hợp đồng những điều khoản ràng buộc chặt chẽ, mà thường chỉ sử dụng những mẫu hợp đồng sẵn có. 

Thời gian qua đã cho thấy, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Dịch Covid-19 gần như đáp ứng các tiêu chí để được xem là sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 1 Ðiều 156 Bộ luật Dân sự 2015 và các bên trong hợp đồng có thể xem xét để miễn trừ trách nhiệm cho nhau liên quan đến vi phạm do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Thế nhưng, thực tiễn có thể phát sinh khó khăn trong quá trình xem xét miễn trừ trách nhiệm. Bởi mặc dù sự kiện bất khả kháng và hệ quả pháp lý đã được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005, nhưng việc các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không chi tiết về việc xác định sự kiện bất khả kháng và hệ quả liên quan dẫn đến nhiều khác biệt trong quan điểm giải quyết.

Chính vì vậy, chi tiết hóa điều khoản bất khả kháng là một yêu cầu hết sức thiết thực khi các bên đàm phán hợp đồng.

Khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp có thể chứng minh sự kiện bất khả kháng để được miễn trừ trách nhiệm không?

Khoản 1 Ðiều 156, Bộ luật Dân sự 2015 được xây dựng theo phương pháp định nghĩa, đó là một sự kiện thỏa mãn các điều kiện bao gồm: (-) xảy ra một cách khách quan, tức nằm ngoài ý chí, phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng; (-) không thể lường trước được, tức nằm ngoài dự đoán của các bên dựa trên hoàn cảnh, điều kiện tại thời điểm giao kết hợp đồng; (-) không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Cách quy định này gần như bao quát được hầu hết các trường hợp bất khả kháng.

Việc xác định một sự kiện là bất khả kháng làm cơ sở miễn trừ trách nhiệm pháp lý nếu chỉ căn cứ từ quy định trên sẽ không tránh khỏi khác biệt trong quan điểm giải quyết ở một số trường hợp: Tuy các bên không dự liệu được tại thời điểm giao kết, nhưng có thể lường trước được trong quá trình thực hiện hợp đồng thì có được xem là bất khả kháng hay không, hay tiêu chí như thế nào để xác định khả năng của một bên trong việc dự liệu trường hợp bất khả kháng trong tương lai, hay tiêu chí để xác định biện pháp và khả năng mà một bên đã áp dụng đã là biện pháp cần thiết và tới hạn khả năng cho phép hay chưa.

Ðồng thời, cần xem xét mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện bất khả kháng và việc một bên vi phạm hợp đồng.

Về lý thuyết, các bên trong hợp đồng có thể giải quyết các vấn đề trên bằng cách quy định cụ thể trong hợp đồng, đồng thời bằng cách phối hợp phương pháp định nghĩa và phương pháp liệt kê các trường hợp bất khả kháng có thể xảy ra.

Ông có lưu ý gì với doanh nghiệp khi soạn thảo hợp đồng nhằm tránh tranh chấp và bất lợi trong giai đoạn này?

Trong giai đoạn hiện tại, dịch bệnh tuy đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nền kinh tế, nhưng phạm vi và cường độ vẫn còn bỏ ngỏ và phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.

Chính vì vậy, giới chủ cần thật sự lưu ý và cần được tư vấn về mặt kỹ thuật và nội dung liên quan đến hợp đồng nói chung và điều khoản bất khả kháng nói riêng nhằm đạt được những thỏa thuận có thể dự trù bao trùm các rủi ro liên quan, qua đó bảo vệ được quyền lợi một cách tốt nhất theo đặc thù của từng lĩnh vực, nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19.

Tin bài liên quan