Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Dai dẳng hậu quả góp vốn bằng quyền sử dụng đất

(ĐTCK) Công ty Liên doanh UNO đã dừng hoạt động gần 7 năm nay, dàn lãnh đạo cũng đã về nước, song Tập đoàn May mặc Doko (Nhật Bản) vẫn đang gặp rắc rối với công ty này về hợp đồng góp vốn. 

Góp đất hay tài sản trên đất?

Năm 2008, Công ty Doko ký hợp đồng hợp tác nguyên tắc với Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment và Công ty Idochu để thành lập Công ty TNHH Uno Corporation.

Theo thỏa thuận, Doko góp 1,3 triệu USD bằng tiền mặt (tương đương 50% vốn điều lệ), Idochu góp 270.000 USD (10% vốn) và VIT góp 1,08 triệu USD (40% vốn) bằng tài sản gồm công trình xây dựng, đất của nhà xưởng số 3 diện tích 4.320 m2; đất của nhà xưởng số 4 diện tích 1.440 m2 tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) và 16 dây chuyền may mặc.

Ngày 10/10/2008, các bên lập biên bản bàn giao tài sản cố định, Công ty VIT đã giao nhà xưởng trị giá 19 tỷ đồng, hệ thống kho 10 tỷ đồng và các công trình phụ trợ khác là 7 tỷ đồng.

Công ty Uno hoạt động từ năm 2008, đến năm 2012 thì tạm dừng, dàn lãnh đạo rút về nước. Công ty Doko cho rằng, Công ty VIT chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn.

Cụ thể, VIT không thực hiện thủ tục trả đất cho Nhà nước để Uno thuê lại phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. VIT kiểm soát nhà máy gồm máy móc, nhà xưởng và quyền sử dụng đất, không cho Doko tiếp cận.

Năm 2018, Công ty Doko đã khởi kiện vụ việc ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã hủy phán quyết trọng tài vì xác định, đây là tranh chấp bất động sản, VIAC không có thẩm quyền giải quyết.

Tuy nhiên, theo đại diện Doko, vụ việc này là tranh chấp góp vốn trong hợp đồng liên doanh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục khởi kiện ra tòa án”, đại diện Doko nhấn mạnh.

Theo nội dung khởi kiện, Công ty Doko yêu cầu Công ty VIT phải chuyển giao cho Công ty Uno quyền sở hữu tài sản gắn với quyền sử dụng đất nhà xưởng số 3 và số 4.

Đồng thời, yêu cầu Công ty VIT phải tiến hành thủ tục tách thửa, chuyển giao quyền sử dụng đất trên để Công ty Uno thay thế VIT thuê quyền sử dụng đất.

Tóm lại, Công ty Doko yêu cầu Công ty VIT phải trả lại diện tích đất trên cho Nhà nước để Công ty Uno làm thủ tục thuê lại đất.

Công ty VIT không đồng ý và giải thích: “Về nguyên tắc, chúng tôi không đem góp vốn quyền sử dụng đất nên sẽ không chuyển quyền sử dụng tài sản này, nhất là khi doanh nghiệp đã dừng hoạt động, thua lỗ, quản lý lỏng lẻo. Ngoài ra, việc này còn liên quan đến trình tự, thủ tục, nếu không có quyền sử dụng đất thì tài sản trên đất sẽ không còn”.

Công ty Doko phản ứng, nếu không chuyển giao quyền thuê đất thì Công ty Uno không thể vay vốn ngân hàng, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

“Theo thỏa thuận, dự án có vốn đầu tư 4,2 triệu USD, trong đó góp tiền mặt 2,7 triệu USD; vay vốn ngân hàng 1,5 triệu USD. Tuy nhiên, hoạt động một thời gian thì hết tiền, nên Công ty Doko đã cho Công ty Uno vay hơn 1 triệu USD để mua sắm trang thiết bị và bổ sung vốn lưu động. Công ty Uno hiện chưa trả khoản vay này. Đó là lý do Công ty VIT không muốn giải thể liên doanh để giữ nguyên hiện trạng như bây giờ”, đại diện Doko lý giải.

Luật sư của Công ty VIT xuất trình hợp đồng thuê đất của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội cho thấy, đây là đất thuê trả tiền hàng năm, nên không được góp vốn theo quy định Luật Đất đai 2013 .

Ngày 4/11/2019, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Doko. Căn cứ vào Điều lệ Công ty, Giấy chứng nhận đầu tư, Công ty VIT đã góp đủ vốn bằng cơ sở vật chất.

Hơn nữa, nguồn gốc đất của Công ty VIT là đất thuê, trả tiền hàng năm, thời gian thuê đất là 40 năm. Nếu các bên có thỏa thuận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, song việc thỏa thuận này là trái quy định.

Uno đã dừng hoạt động?

Công ty VIT cung cấp tài liệu từ cơ quan thuế thể hiện, Công ty Uno đang trong trạng thái tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, theo Công ty Doko, về mặt pháp lý, công ty này vẫn đang hoạt động.

Đại diện Doko giải thích, Công ty Uno xin tạm dừng hoạt động năm 2012. Theo luật, nếu trước 1 năm không nộp đơn xin tiếp tục dừng hoạt động thì mặc nhiên được hiểu là Công ty tự động quay lại hoạt động.

Đại diện VIT cho biết, việc các lãnh đạo Công ty Uno trở về nước đã gây bức xúc đối với Công ty cũng như người lao động, dẫn đến tình trạng trộm cắp tài sản của nhà máy.

“Chúng tôi nhận thấy tài sản bị xê dịch nên buộc phải quản lý nhà máy chặt chẽ để tránh xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Chúng tôi cũng đã tổ chức các cuộc họp nhân viên, chi trả lương, bảo hiểm còn nợ… cho người lao động với giá trị 613.000 USD ”, đại diện VIT thông tin thêm.

Phản bác lại ý kiến trên, Công ty Doko xuất trình tài liệu ngày 26/4/2011, các bên có biên bản quy định rõ về nghĩa vụ, quyền của các bên liên quan. Theo đó, VIT phải trả lương công nhân và chi phí điện nước.

Trả lời câu hỏi vì sao liên doanh không còn hoạt động gần 7 năm nay, nhưng chưa giải thể, đại diện VIT cho hay: “Chúng tôi mong muốn các bên phải ngồi lại với nhau để tính toán việc lời, lỗ ra sao, nhưng không được tiếp cận các báo cáo, đến thuế chúng tôi cũng phải tự xác minh, nên chưa thể ra quyết định giải thể”.        

Tin bài liên quan