Ông Tề Trí Dũng trước lúc bị bắt. Ảnh:Hữu Khoa.

Ông Tề Trí Dũng trước lúc bị bắt. Ảnh:Hữu Khoa.

Cựu tổng giám đốc Công ty Tân Thuận - IPC bị bắt

Ông Tề Trí Dũng bị cáo buộc hành vi chiếm đoạt tiền của Nhà nước và hàng loạt sai phạm gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Tối 14/5, Công an TP HCM bắt giam ông Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC) về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Việc khám xét nhà ông Dũng tại quận 7 được cơ quan điều tra thực hiện ngay sau đó.

Trước đó, Thanh tra thành phố chỉ ra nhiều sai phạm tại IPC, trong đó có việc công ty này thực hiện theo chỉ đạo của ông Tất Thành Cang khi là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM.

Cụ thể, IPC với tỷ lệ vốn sở hữu 44% không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), đặc biệt là trong bối cảnh công ty này đang có lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, tháng 5-6/2017, công ty đề nghị Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố chấp thuận và trình UBND thành phố phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8% do "... Văn phòng Thành ủy có thông báo số 495 ngày 18/5/2017 (văn bản đính kèm) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco...".

Ngày 16/6/2017, IPC báo cáo UBND thành phố "...Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017...". Tuy nhiên, theo Thanh tra thành phố, IPC nói "Thường trực Thành ủy đã chấp thuận chủ trương..." là không chính xác. Bởi văn bản số 495 chỉ truyền đạt ý kiến của cá nhân Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang.

Nếu IPC phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu (thay vì cổ đông chiến lược) thì sẽ là phương án tối ưu hơn. Trường hợp IPC không muốn tiếp tục đầu tư vào Sadeco thì thực hiện chuyển nhượng quyền góp vốn cho tổ chức, cá nhân khác thông qua đấu giá để không làm thiệt hại cho IPC và nhà nước...

Việc này khiến cổ đông của doanh nghiệp không được đảm bảo lợi ích, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

 Tòa nhà trụ sở Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Ảnh: Hữu Khoa.

Quá trình thẩm định giá, IPC (thuê Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM và Công ty TNHH Thẩm định giá MHD) đã thực hiện không đúng quy định, không phù hợp giá thị trường, dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho vốn Nhà nước. Công ty IPC cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không đảm bảo lợi ích trong việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu.

Ngoài ra, IPC chỉ sử dụng một phần tòa nhà, còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng (tổng doanh thu cho thuê trong 7 năm gần đây là hơn 295 tỷ đồng); kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỷ đồng.

Năm 2016-2017, IPC tổ chức cho lãnh đạo công ty đi nước ngoài khi chưa được UBND thành phố cho phép; một số trường hợp đi nước ngoài vượt thời gian được cử đi... với tổng chi phí hơn 1,3 tỷ đồng.

IPC là doanh nghiệp được UBND TP HCM thành lập năm 1993, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, các cụm dân cư, khu đô thị mới...

Hồi cuối tháng 10/2018, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Công an thành phố điều tra các sai phạm xảy ra ở IPC, ông Dũng bị đình chỉ công tác. Ông này là đại biểu HĐND TP HCM và trong kỳ họp cuối năm hồi đầu tháng 12 đã vắng mặt.

Tin bài liên quan