Thông báo mời họp và các tài liệu khác chỉ được đăng trên website sau ngày họp ĐHCĐ

Thông báo mời họp và các tài liệu khác chỉ được đăng trên website sau ngày họp ĐHCĐ

Công nghệ phẩm Hải Phòng: Sẽ đề nghị giám đốc thẩm

(ĐTCK) Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện hủy Nghị quyết ĐHCĐ bất thường của CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng cuối tuần qua diễn ra trong không khí căng thẳng. Phòng xử của TAND Tối cao chật kín chỗ ngồi.

Được biết, vào tháng 2/2014, TAND TP. Hải Phòng đã đưa vụ án này ra xét xử. Theo đó, nguyên đơn là nhóm cổ đông của Công ty Công nghệ phẩm Hải Phòng đệ đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án hủy Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 28/5/2013. Nghị quyết có nội dung bãi miễn chức vụ Tổng giám đốc Công ty do bà Nguyễn Thị Tuyết Len đang nắm giữ (bà Len là người đại diện theo pháp luật của Công ty); đồng thời bổ nhiệm bà Đặng Thị Hồng Hải làm Tổng giám đốc.

Việc thay Tổng giám đốc này gây ra mâu thuẫn trong nội bộ cổ đông của Công ty. Nhóm cổ đông là 3 thành viên HĐQT gồm ông Ngô Văn Thẳng, Chủ tịch HĐQT; bà Lê Thị Mai; ông Hoàng Long, thành viên HĐQT, muốn bãi miễn Tổng giám đốc đương nhiệm là bà Len để bổ nhiệm bà Đặng Thị Hồng Hải, một cổ đông mới của Công ty, vào vị trí này.

Nhóm cổ đông khởi kiện gồm ông Nguyễn Hồng Hải, bà Nguyễn Thị Đông, bà Lương Thị Hiền, bà Trần Thị Kim Liên, bà Nguyễn Thị Bích Hằng do ông Lê Minh Thắng đại diện và các cổ đông là người lao động trong Công ty không chấp nhận việc đưa một cổ đông mới, không hiểu rõ về Công ty cũng như ngành nghề kinh doanh vào vị trí Tổng giám đốc.

Cho rằng, trình tự thủ tục tổ chức cũng như ra quyết định của ĐHCĐ bất thường vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp, nhóm cổ đông do ông Lê Minh Thắng đại diện theo ủy quyền đã đệ đơn khởi kiện đề nghị Tòa án hủy Nghị quyết.

Ở cấp sơ thẩm, HĐXX đã bác đơn khởi kiện, sau đó nguyên đơn có đơn kháng cáo cho rằng, bản án sơ thẩm không khách quan, không xem xét hết các chứng cứ đưa ra.

Tại cấp phúc thẩm, nguyên đơn trình bày bị đơn đã vi phạm về trình tự thủ tục triệu tập ĐHCĐ như không tổ chức họp ĐHCĐ thường niên, mà triệu tập họp ĐHCĐ bất thường; HĐQT Công ty vi phạm quy định về gửi tài liệu họp khi nhiều cổ đông không nhận được thông báo mời họp và tài liệu họp; HĐQT cũng không cho cổ đông xem xét và tra cứu danh sách cổ đông, giấy mời tham dự ĐHCĐ ghi sai tên họ, số lượng cổ phần của một số cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần… Đáng chú ý, trong ngày diễn ra ĐHCĐ bất thường, HĐQT Công ty đã ngăn cản không cho một số cổ đông vào tham dự với lý do đăng ký tham dự không đúng hạn (số cổ đông này sở hữu trên 30% cổ phần).

Đặc biệt, luật sư Lê Minh Toàn, bảo vệ cho nguyên đơn cho biết, căn cứ vào kết quả kiểm tra tư cách cổ đông thì chỉ có một cổ đông trong số 16 cổ đông có mặt tại ĐHCĐ có đủ điều kiện tham dự hợp lệ như yêu cầu của Ban tổ chức, tức là có giấy xác nhận tham dự Đại hội trước ngày 21/5/2013. Cổ đông này chỉ sở hữu 185 cổ phần. Những cổ đông khác như ông Ngô Văn Thẳng, bà Lê Thị Mai, ông Hoàng Long đều có có giấy xác nhận tham dự Đại hội sau ngày quy định.

Không những thế, theo chứng cứ mà luật sư Lê Minh Toàn thu thập được thì HĐQT Công ty gian dối trong việc công bố thông tin. Mặc dù bà Lê Thị Mai khai tại phiên tòa phúc thẩm là đã đăng thông báo mời họp và các tài liệu khác trên website congnghepham.com, nhưng thực tế thông tin này chỉ được đăng lên sau ngày 28/5/2013 (sau ngày họp).

Có hai cổ đông đã bị giả mạo giấy ủy quyền: cổ đông Nguyễn Hữu Dũng bị ký giả vào giấy ủy quyền; cổ đông Đan Đức Minh đã chuyển nhượng cổ phần cho người khác từ năm 2011 nhưng có giấy ủy quyền giả mạo để tham dự ĐHCĐ.

Luật sư Lê Mình Toàn khẳng định, cả về trình tự thủ tục triệu tập lẫn ra quyết định của ĐHCĐ bất thường đều không đúng quy định của Luật và đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm, tuyên hủy Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 28/5/2013.

Đại diện Viện KSND Tối cao có mặt tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng, HĐQT đã triệu tập họp để ra Nghị quyết triệu tập ĐHCĐ bất thường, thành viên dự họp chiếm 3/4 nên cuộc họp đủ điều kiện theo quy định Luật; trình tự thủ tục ra quyết định tuân thủ đúng luật... Vì những lẽ trên, cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện là có căn cứ và đúng pháp luật. Tại phiên phúc thẩm, nguyên đơn không đưa ra ý nào mới nên xét thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo, đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên bố giữ nguyên án sơ thẩm. Bức xúc với bản án này, nguyên đơn cho biết, sẽ khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. 

Tin bài liên quan