Con dấu doanh nghiệp vô tri nhưng làm nhiều doanh nghiệp tê liệt

Con dấu chỉ là vật vô tri, vô giác, nhưng nhiều doanh nghiệp đã bị “tê liệt” vì vật vô tri, vô giác này. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi hướng dẫn Luật Doanh nghiệp sửa đổi, không nên quy định bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi vẫn quy định, doanh nghiệp có con dấu riêng và con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Có nghĩa là, muốn hoạt động, doanh nghiệp bắt buộc phải có con dấu?

Doanh nghiệp có con dấu, nhưng không bắt buộc phải đóng dấu lên mọi văn bản, giấy tờ, hồ sơ, hợp đồng. Vấn đề này sẽ được Chính phủ quy định cụ thể khi hướng dẫn Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là Công ty Tài chính quốc tế (IFC) khẳng định, nếu Việt Nam cải cách thủ tục về con dấu, thì thứ hạng môi trường kinh doanh sẽ được nâng lên nhiều bậc. Sở hữu con dấu là quyền của doanh nghiệp, nhưng không được bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu trong mọi trường hợp.

Nói như vậy thì không cần thiết doanh nghiệp phải có con dấu nữa?

Doanh nghiệp vẫn cần con dấu để đóng lên văn bản, hồ sơ, giấy tờ mà theo quy định của Chính phủ bắt buộc phải có chữ ký và con dấu, như việc xác nhận thân nhân của người lao động... Tuy nhiên, doanh nghiệp không chỉ có một con dấu, mà có thể có nhiều con dấu để đóng lên các văn bản, hồ sơ, giấy tờ khác nhau.

Tôi cho rằng, khi hướng dẫn Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Chính phủ sẽ quy định rõ vấn đề này theo hướng doanh nghiệp được tự quyền thiết kế, tự khắc hoặc thuê khắc con dấu, chứ không cần có sự cho phép, đồng ý của bất cứ cơ quan, tổ chức nào và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và sử dụng con dấu của mình. Tất nhiên, con dấu của doanh nghiệp phải bảo đảm hình thức và nội dung, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu theo quy định của Chính phủ.

Quan điểm của các bộ, ngành về vấn đề này thế nào, thưa ông?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất ủng hộ phương án không bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu, doanh nghiệp có con dấu không bắt buộc phải “triện” lên tất cả các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu như hiện nay. Trong Dự thảo Luật Công an nhân dân vẫn có quy định Bộ Công an quản lý nhà nước đối với con dấu, nhưng quản lý theo quy định của pháp luật, chứ không phải quản lý tất cả các con dấu như hiện nay.

Liên quan đến nội dung này, tôi đã từng đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ là chỉ cho phép Bộ Công an quản lý con dấu của cơ quan, tổ chức, vì liên quan đến an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, còn con dấu của doanh nghiệp thì không cần phải quản lý.

Nếu không có cơ quan nào quản lý con dấu của doanh nghiệp, ông có lo ngại tình trạng giả mạo chữ ký, con dấu bùng phát?

Hiện nay, có cơ quan quản lý nhà nước đối với con dấu mà tình trạng sử dụng con dấu giả vẫn diễn ra phổ biến. Nếu mình không bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu trong nhiều trường hợp, thì không ai giả mạo con dấu của doanh nghiệp nữa.

Còn vấn đề quản lý, thay vì quản lý con dấu, cơ quan quản lý nhà nước quản lý chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và lãnh đạo khác của doanh nghiệp bằng việc yêu cầu họ đăng ký mẫu chữ ký cho Cơ quan Đăng ký kinh doanh (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Mẫu chữ ký này được công khai, minh bạch trên mạng Internet để tổ chức, cá nhân là bạn hàng, khách hàng, đối tác của doanh nghiệp biết khi thực hiện giao dịch. Hiện nay, đã có rất nhiều cá nhân sử dụng chữ ký số có tính bảo mật rất cao, nên không ngại vấn đề giả mạo như trong trường hợp sử dụng con dấu truyền thống.

Để khắc một con dấu chỉ mất 5 - 7 ngày với thủ tục không mấy phiền hà. Thưa ông, có nhất thiết phải bỏ con dấu không?

Đúng là thủ tục khắc dấu, thời gian khắc dấu đã đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây. Nhưng hãy thử hình dung, trong doanh nghiệp nào đó do mâu thuẫn nội bộ, ông chủ tịch hội đồng quản trị, ông tổng giám đốc hoặc ai đó giữ con dấu bên người như vật bất ly thân thì sao? Thì hoạt động của cả doanh nghiệp bị ngừng lại. Hoặc thư ký vô tình đánh mất dấu thì sao? Thì sẽ náo loạn cả doanh nghiệp. Những chuyện dở khóc, dở cười với con dấu diễn ra không hiếm, trong khi đó sử dụng chữ ký điện tử thì không bao giờ diễn ra tình cảnh này.

Tin bài liên quan