Chuyên nghiệp hóa công tác hòa giải trong tranh chấp kinh tế

Chuyên nghiệp hóa công tác hòa giải trong tranh chấp kinh tế

(ĐTCK) Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã thành lập 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại với kỳ vọng giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở các phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí...

Trong hoạt động kinh doanh thương mại, tranh chấp là việc không ai mong muốn nhưng cũng khó tránh khỏi. Vấn đề là việc giải quyết tranh chấp tại tòa án hiện nay thường bị kéo dài khiến các bên đương sự tốn thời gian, chi phí và ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh, uy tín kinh doanh.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, ước tính, thời gian từ khi nộp đơn khởi kiện đến xét xử sơ thẩm có thể kéo dài 16 - 18 tháng, phúc thẩm có thể phải mất thêm 14 tháng, tức tổng cộng là 30 tháng đối với tranh chấp thương mại và đến 32 tháng đối với tranh chấp dân sự.

Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ việc thường kèm theo nhiều công việc khác như giám định, hòa giải, xét xử... Thời gian cho các công việc kéo dài bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn có những vụ việc, tòa án trưng cầu giám định nhưng đơn vị giám định từ chối.

Sau đó, tòa án tiếp tục trưng cầu giám định của đơn vị khác. Hoặc đương sự không chấp nhận kết quả giám định vì cho rằng không khách quan và tiếp tục yêu cầu giám định của đơn vị khác. Giữa những lần giám định đều là thời gian chờ đợi kéo dài đến một vài tháng.

Ngay cả khi vụ án đã được đưa ra xét xử nhưng phiên tòa vẫn có thể bị tạm ngừng để đương sự cung cấp thêm chứng cứ, hoặc tòa án thẩm tra chứng cứ mới, hoặc chờ kết quả giám định theo yêu cầu của đương sự... Nhiều trường hợp, vụ án bị đình chỉ, rồi lại được thụ lý lại, hoặc bị hủy án khiến quá trình tố tụng bắt đầu lại từ đầu. Có những vụ việc kéo dài 15 năm vẫn chưa có kết quả.

Với mục tiêu giải quyết các tranh chấp hiệu quả hơn, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự và xã hội, Tòa án nhân dân tối cao có kế hoạch triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Hà Nội là 1 trong 15 tỉnh, thành phố được Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn triển khai thí điểm phương thức này. Hiện tại, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã thành lập 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội và tại 15 Tòa án nhân dân cấp huyện, TP. Hà Nội, bao gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức và Chương Mỹ.

Các Trung tâm hòa giải, đối thoại được giao nhiệm vụ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi tòa án thụ lý.

Có 85 hòa giải viên, đối thoại viên của 16 Trung tâm là những người có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm, năng lực và được tập huấn về quy trình và kỹ năng hòa giải, đối thoại. Được biết, chi phí, bồi dưỡng cho hòa giải viên, đối thoại viên do tòa án chi trả, các bên không phải chi trả cho hòa giải viên, đối thoại viên bất cứ khoản thù lao nào.

Theo quy định, trong quá trình hòa giải, đối thoại, các hòa giải viên, đối thoại viên là những người trung lập, khách quan để hỗ trợ các bên thỏa thuận, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Những lời khai của người tham gia hòa giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật. Trường hợp các bên yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành thì quyết định này có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của tòa án.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, việc ra đời các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 16 đơn vị thuộc Tòa án nhân dân hai cấp TP. Hà Nội nhằm giúp giảm tải cho công tác xét xử của tòa án trong bối cảnh tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp.

Được biết, năm 2016, Tòa án nhân dân hai cấp TP. Hà Nội đã thụ lý 28.747 vụ án các loại, nhưng đến năm 2017 đã thụ lý 30.777 vụ, tăng 2.029 vụ so với năm 2016. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018 đã thụ lý 28.305 vụ án, tăng 3.157 vụ so với 9 tháng đầu năm 2017; trong đó lượng án dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính chiếm 74,7%. Cùng với việc gia tăng về số lượng, tính chất các vụ tranh chấp ngày càng phức tạp.

Tin bài liên quan