Chào bán cổ phần, “kẻ chỉ” cho hai đối tượng

Chào bán cổ phần, “kẻ chỉ” cho hai đối tượng

(ĐTCK) Nội dung vừa được điều chỉnh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, đang được Quốc hội thảo luận, đã phân định khá rõ hai đối tượng được phép chào bán cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.

Hai không gian riêng

Bản dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi mới nhất quy định: “chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức: chào bán cho các cổ đông hiện hữu; chào bán ra công chúng và chào bán cổ phần riêng lẻ. Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán”.

Dự thảo luật còn quy định chi tiết hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phần riêng lẻ, áp dụng cho các công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng. Hướng điều chỉnh mới này tạo ra ranh giới khá rõ giữa hai đối tượng chào bán cổ phần là DN đại chúng, niêm yết với các DN không phải là công ty đại chúng.

Với đối tượng thứ nhất, nội dung trên đồng nghĩa việc chào bán cổ phần tăng vốn của các công ty đại chúng, DN niêm yết vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật về chứng khoán. Cụ thể, với hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng, tổ chức phát hành phải hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xem xét và cấp giấy chứng nhận chào bán trước khi triển khai đợt phát hành. Với hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ, các công ty đại chúng, CTCK, công ty quản lý quỹ phải gửi hồ sơ chào bán tới UBCK. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, UBCK sẽ thông báo cho tổ chức đăng ký và công bố trên trang thông tin điện tử về chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Trên cơ sở đó, DN triển khai đợt phát hành.

Đối tượng thứ hai là các công ty cổ phần chưa phải là công ty đại chúng, ngoại trừ DN thuộc các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, CTCK, công ty quản lý quỹ, thì hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ được gửi tới Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu công nghiệp… có ý kiến trước khi triển khai đợt phát hành.

Việc bổ sung hình thức chào bán cho các cổ đông hiện hữu vào dự thảo Luật DN sửa đổi, theo ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật DN sửa đổi là nhằm khắc phục tình trạng các DN chưa đại chúng đang gặp khó trong chào bán cổ phần tăng vốn, do các quy định hiện hành chưa rõ ràng, còn cứng nhắc và chưa phù hợp.

Để được chào bán cổ phần, Luật Chứng khoán buộc DN có hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán…

“Quy định trên đang đẩy nhiều DN vào chỗ ‘chết’, mặc dù với nhiều công ty, ngay cả khi DN làm ăn thua lỗ, thậm chí có lỗ lũy kế, cổ đông vẫn sẵn sàng góp thêm vốn thông qua các đợt chào bán cổ phần tăng vốn để cứu DN”, ông Cung nói và phân tích thêm, dự thảo Luật DN sửa đổi đưa ra hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là để áp dụng cho các công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng theo hướng khả thi, đơn giản, nhằm khắc phục bất cập của quy định hiện hành, qua đó tạo thuận lợi cho DN chủ động hơn trong huy động vốn. Cụ thể, khi chào bán cho cổ đông hiện hữu, DN chỉ phải thông báo bằng văn bản đến các cổ đông theo phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú, hoặc địa chỉ liên lạc của họ trong sổ đăng ký cổ đông. Thông báo phải được đăng tải đồng thời trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia và website của công ty (nếu có).

“Cơ quan quản lý đừng lo thay cho DN, cổ đông đối với đồng vốn do chính họ bỏ ra, mà hãy trao quyền tự chủ mạnh hơn cho họ trong huy động, sử dụng vốn, cũng như tự chịu trách nhiệm nếu sử dụng vốn không hiệu quả”, ông Cung nói.

Hai điểm băn khoăn

Một số ý kiến cho rằng, có sự bất hợp lý khi coi chào bán cho cổ đông hiện hữu là một trong các hình thức chào bán cổ phần, trong khi thông lệ quốc tế không coi đây là một hình thức chào bán, mà chỉ có chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ.

Ngoài ra, việc chào bán chứng khoán ra công chúng đang được điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán áp dụng cho mọi đối tượng, bất kể là công ty đại chúng hay không phải đại chúng. Thế nhưng, quy định của dự thảo Luật DN sửa đổi có thể dẫn đến các DN không phải là công ty đại chúng triển khai các đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu “chạm” vào các tiêu chí như chào bán ra công chúng, nhưng lại không chịu sự điều chỉnh của các quy định của pháp luật chứng khoán, mà chỉ tuân thủ các quy định của Luật DN. Nếu điều này không được giải quyết ổn thỏa trước khi dự thảo Luật DN, theo kế hoạch, được thông qua vào cuối năm nay, sẽ gây khó khi đưa Luật vào áp dụng.

Theo Điều 25, Luật Chứng khoán, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau đây:

- Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng.

- Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở GDCK hoặc Trung tâm GDCK.

- Công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên.

Tin bài liên quan