Căng thẳng kiểm soát tải trọng xe

Đã có những dấu hiệu rõ nét về sự tiếp tay của một bộ phận trong lực lượng trực tiếp làm công tác kiểm soát tải trọng xe tại các địa phương nhằm để lọt những xe chở quá tải.
Kiểm tra tải trọng xe trên Quốc lộ 1, đoạn chạy qua Thanh Hóa

Kiểm tra tải trọng xe trên Quốc lộ 1, đoạn chạy qua Thanh Hóa

Nhiều “kẽ hở” tiêu cực

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải về tình hình tiêu cực - chống tiêu cực sau 4 tháng triển khai kiểm soát tải trọng xe.

Theo TCĐB, nhiều chủ hàng và chủ mua hàng vẫn đang cố tình ép lái xe chở quá tải hoặc không có trách nhiệm trong việc bốc xếp, giao nhận hàng hóa quá tải trọng của xe; một số chủ doanh nghiệp vận tải cố tình chở quá tải và tìm cách móc nối với “cò xe”, “môi giới” với một bộ phận lực lượng làm công tác tuần tra kiểm soát giao thông và tại các trạm cân, nhân viên bảo vệ, làm nhiệm vụ tại dự án xây dựng đường để cho xe quá tải lưu thông.

Ở chiều ngược lại, không ít lái xe (là người làm thuê) vì công ăn, việc làm vẫn chấp nhận điều khiển xe chở hàng quá tải, thậm chí chống đối lực lượng chức năng, cố tình phá hoại thiết bị cân xe, gây mất an toàn cho người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, sự tiêu cực nói trên chưa nghiêm trọng bằng sự tiêu cực của chính lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe và tuần tra kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông.

Biểu hiện rõ nhất của việc móc ngoặc giữa lực lượng kiểm soát tải trọng xe và lái xe chính là việc nhiều đoàn xe chở quá tải vẫn dễ dàng vượt các trạm cân, qua các chốt kiểm tra của cảnh sát giao thông.

“Từng đoàn xe chở quá tải từ 50 đến 200% vẫn đi trót lọt từ Quảng Ninh, Hải Phòng qua nhiều địa phương, qua nhiều trạm cân đi lên Lào Cai, Điện Biên, đi từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam và ngược lại; nhiều xe chở đúng tải trọng thì bị dừng lại để cân kiểm tra, trong khi vào giờ giao ca, giờ ăn cơm của cảnh sát giao thông, buổi tối, trời mưa thì từng đoàn xe quá tải vượt qua trạm cân mà không bị dừng kiểm tra”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng TCĐB cho biết.

Theo phản ánh về đường giây nóng của TCĐB, tại một số địa bàn có  dấu hiệu tiêu cực của lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm cân. Cụ thể, tại vị trí của tổ kiểm soát tải trọng xe bằng cân xách tay của tỉnh Bắc Giang trên Quốc lộ 37 đoạn gần cầu Cẩm Lý, các xe quá tải qua đây phải “làm luật” từ 300.000 đến 1 triệu đồng/lượt để được kiểm tra chiếu lệ.

Bên cạnh đó, TCĐB cũng ghi nhận thông tin về việc lái xe “làm luật” qua “cò” với lực lượng chức năng ở các trạm cân tại Bắc Giang, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông... Mức làm luật từ 500.000 đến 3 triệu đồng, thậm chí là 5 triệu đồng/xe.

Địa phương lỏng tay

Tiêu cực trong quản lý nhà nước và quản lý địa bàn hành chính được dẫn chứng bằng việc nhiều địa phương vì mục đích phát triển kinh tế của mình đã không quan tâm hoặc tỏ ra lỏng tay trong việc xử lý xe quá tải của địa phương.

Sau 4 tháng triển khai kiểm soát, 10/63 tỉnh, thành phố có số xe được kiểm tra thấp ở mức bất thường, dao động từ 1,8 đến 6,9%. Điển hình trong số này là Yên Bái - kiểm tra được 1% lượng xe lưu thông và phạt hiện 1% xe quá tải trong số xe được kiểm tra

Để hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực, TCĐB đề nghị các địa phương thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cần công khai danh tính các tổ chức, cá nhân vi phạm trên phương tiện truyền thông; cấm các tổ chức, cá nhân liên quan đến xây dựng có vi phạm quá tải tham gia đấu thầu, thực hiện dự án sử dụng vốn ngân sách; sửa đổi quy định tăng chế tài xử phạt lái xe, chủ xe chở quá tải...

Để ngăn chặn tiêu cực của lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm cân, TCĐB đề nghị  các địa phương lựa chọn những cán bộ, chiến sỹ, thanh tra giao thông có phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng vững vàng và chuyên môn tốt thực hiện nhiệm vụ tại trạm cân. Ví dụ, như Công an TP.HCM lựa chọn những người là nguồn quy hoạch, đang phấn đấu phát triển để thực hiện nhiệm vụ tại các trạm cân; những tổ chức, cá nhân vi phạm cần xử lý kỷ luật ở mức cao nhất, trường hợp đủ điều kiện cấu thành tội phạm thì khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự..

“Chúng tôi đề nghị Bộ Công an cần lập chuyên án đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong chính lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, triệt phá các tổ chức, cá nhân móc nối dẫn đường cho xe quá tải lưu thông; tăng chế độ bồi dưỡng, khen thưởng cho lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm cân để tránh tiêu cực...”, ông Huyện yêu cầu.

Với tiêu cực trong quản lý nhà nước và quản lý địa bàn hành chính, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương từ cấp tỉnh đến huyện, xã không được để chủ xe, nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn chở quá tải... TCĐB cũng đề nghị trang bị thêm cân xách tay cho lực lượng thanh tra của các cục quản lý đường bộ, thanh tra giao thông các quận huyện, công an cấp huyện để kiểm soát xe quá tải.

Để phòng chống tiêu cực tại các trạm cân, TCĐB cũng vừa có văn bản đề nghị Sở Giao thông - Vận tải các địa phương chỉ đạo các trạm cân đặt biển thông báo “không phận sự miễn vào” tại các trạm cân; tổ chức dẹp các quán, cửa hàng vi phạm hành lang giao thông đường bộ, góp phần giảm tình trạng tụ tập của các “cò xe” và đảm bảo an toàn giao thông; cho lắp đặt bổ sung camera giám sát các xe tải lưu thông qua trạm cân,  tích hợp gửi về trung tâm của Sở Giao thông - Vận tải và TCĐB để theo dõi. Bên cạnh đó, các trạm cân phải giải trình rõ tại sao không dừng các xe tải lưu thông qua trạm mà hình ảnh do camera ghi nhận được và các thông tin từ đường dây nóng cung cấp...

Tin bài liên quan