Cận cảnh chiêu góp vốn ảo tại Công ty Đầu tư và Du lịch An Phát

Cận cảnh chiêu góp vốn ảo tại Công ty Đầu tư và Du lịch An Phát

(ĐTCK) Từ đơn thư của cổ đông, cơ quan điều tra xác định, cựu giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch An Phát (Công ty An Phát) sử dụng các thủ thuật nhằm sở hữu phần vốn góp đáng kể để nắm giữ chức danh giám đốc, chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án điển hình về góp vốn ảo.

Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh, ngày 16/6/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc Công ty An Phát, chủ đầu tư Dự án Đồi 79 Mùa Xuân) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bị can Phan Thúy Mai được xác định có hành vi gian dối, lập chứng từ khống, hợp thức hồ sơ chuyển nhượng 2 thửa đất dự án thành tài sản riêng với giá 9,8 tỷ đồng (giá thực là 30,5 tỷ đồng). Việc làm của Mai không thông qua Đại hội đồng cổ đông, vi phạm Điều 120, Luật Doanh nghiệp năm 204 và Điều 23, Điều lệ Công ty.

Quá trình điều tra còn cho thấy chiêu thức góp vốn ảo, gian dối sử dụng vốn gây thiệt hại cho Công ty.

Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch 79 Mùa Xuân được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt từ năm 2004. Khi đó, Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Toàn Thắng (Công ty Toàn Thắng, vốn điều lệ 2 tỷ đồng, trụ sở tại TP.HCM) do Phan Thúy Mai làm Giám đốc được chấp thuận là chủ đầu tư.

Để thuận lợi cho việc thực hiện dự án, năm 2004, Mai thành lập Công ty An Phát với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Sau khi Công ty Toàn Thắng rút lui, Công ty An Phát tiếp nhận toàn bộ quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án.

Công ty An Phát có 4 cổ đông sáng lập, trong đó Phan Thúy Mai cam kết góp 19,8 tỷ đồng. Mặc dù chưa góp đồng vốn nào, nhưng với tỷ lệ cổ phần cam kết góp chiếm 60% vốn điều lệ, bà Mai được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty An Phát.

Để khỏa lấp việc này, bà Mai rao bán 21% cổ phần “ma” cho các cá nhân bên ngoài, thu được 19,5 tỷ đồng. Phát hiện hành vi khuất tất của Giám đốc, các cổ đông sáng lập khác phản đối và đề nghị rút vốn. Để trấn an các cổ đông này, bà Mai cam kết nhận mua lại số cổ phần của họ.

Cùng lúc này, các cổ đông mới (các cổ đông mua cổ phần “ma”) nhận ra việc bán nợ và chiếm dụng vốn nên đòi lại tiền. Bà Mai xoay xở trả được 10 tỷ đồng.

Với các cổ đông sáng lập, để có tiền mua lại 40% cổ phần như hứa hẹn, bà Mai lấy danh nghĩa đại diện Công ty An Phát ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Long Việt (Công ty Long Việt). Thực chất của hợp đồng này, bà Mai tranh thủ tiền vốn của Công ty Long Việt lấp vào tiền vốn góp của Công ty An Phát. Ngay sau khi Công ty Long Việt chuyển 23 tỷ đồng, bà Mai dùng một phần số tiền trên thanh toán cho các cổ đông.

Nhận thấy dự án không hiệu quả, Công ty Long Việt thoái vốn. Vẫn chiêu thức cũ, Mai tìm đối tác mới là Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế An Thành để lấy tiền trả cho Công ty Long Việt. Nhưng không lâu sau, Công ty An Thành cũng nhanh chóng tháo chạy khỏi dự án.

Để đắp đổi khoản tiền cho Công ty An Thành, bà Mai tìm cách bán 33% cổ phần cho bà Trương Kim Bích (tương đương 33 tỷ đồng). Ngoài thanh toán số tiền trên, bà Bích còn đóng góp chi phí hàng năm vào Công ty An Phát khoản tiền 9,3 tỷ đồng. Tổng cộng, bà Bích đưa số tiền 43,5 tỷ đồng.

Năm 2006, bà Mai bán cho một lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á 5% vốn điều lệ, với giá 7,5 tỷ đồng. Trong năm 2006, Công ty An Phát tăng vốn điều lệ lên 60 tỷ đồng. Với chiêu thức dùng tiền hợp tác đầu tư để góp vốn, khai khống vốn góp, dòng tiền góp vốn thực của bà Mai là âm 2,7 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, quá trình điều hành Công ty An Phát, Phan Thúy Mai có hành vi chiếm dụng tiền vốn, sử dụng tài sản Công ty không đúng mục đích, lập chứng từ kế toán khống, ký các hợp đồng vay ngân hàng vượt quá quyền hạn, một số nghiệp vụ chi tiền nghi ngờ không có thật... Do những hành vi này cần được điều tra làm rõ nên năm 2016, cơ quan điều tra tách rút tài liệu để tiếp tục xác minh.

Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có diễn biến mới.

Quá trình điều tra, Phan Thúy Mai khai nhận, cuộc họp Hội đồng quản trị Công ty Toàn Thắng ngày 1/2/2004 thống nhất sẽ bán cho bà 2 nền đất biệt thự dự án với giá ưu đãi, giảm giá 50%. Tuy nhiên, thời điểm đó, Công ty Toàn Thắng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với bất kỳ thửa đất nào của dự án.

Ngoài ra, các cổ đông của Công ty Toàn Thắng xác nhận, không có buổi họp nào có nội dung như biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 1/2/2004.

Đặc biệt, việc chuyển nhượng 2 nền đất biệt thự diễn ra rất dễ dàng. Mặc dù 2 nền đất thuộc địa phận xã Thanh Lâm, nhưng cả 2 hợp đồng chuyển nhượng lại được Ủy ban nhân dân xã Đại Thịnh ký xác nhận.

Tin bài liên quan