Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Cán bộ cảnh vệ nghỉ hưu lừa chạy việc vào ngành công an

(ĐTCK) Sau khi nghỉ hưu, Hiển vẫn giới thiệu đang công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ nên có nhiều mối quan hệ, có thể xin việc, xin học vào ngành công an. Tránh bất lợi, mỗi lần nhận tiền, Hiển viết giấy biên nhận dưới dạng giấy vay tiền.

Ngày 16/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Mai Văn Hiển (SN 1966, ở quận Tây Hồ) và Tô Kỳ Thiệu (SN 1981, ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, năm 2015, cơ quan điều tra nhận được đơn thư của người dân tố cáo Hiển và Thiệu có hành vi gian dối xin việc, xin học để nhận tiền của họ sau đó chiếm đoạt tiền.

Theo kết quả điều tra, Hiển từng có thời gian công tác trong Bộ Tư lệnh cảnh vệ -Bộ Công an, nay đã nghỉ hưu.

Để có tiền, Hiển vẫn giới thiệu đang công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ nên có nhiều mối quan hệ, có thể xin việc, xin học vào ngành công an. Tránh bất lợi, mỗi lần nhận tiền, Hiển viết giấy biên nhận dưới dạng giấy vay tiền.

Khoảng tháng 8/2014, qua mối quan hệ quen hệ, chị Trần Thị Dùng (ở Nghệ An) nhờ Hiển xin cho con trai vào học tại trường Học viện cảnh sát. Hiển “báo giá” chi phí hết 670 triệu đồng, đặt cọc 300 triệu đồng. Để chiếm lòng tin, Hiển bàn với Thiệu làm giả giấy báo nhập học để đưa cho chị Dùng.

Sau khi thống nhất, Thiệu đến quán photo làm mẫu giấy báo nhập học với giá 1,2 triệu đồng. Nhận được giấy báo nhập học, nạn nhân tin tưởng đưa cho Hiển nốt số tiền còn lại là 370 triệu đồng. Đến đầu năm 2015, chị Dùng phát hiện hành vi mờ ám của Hiển và Thiệu nên trình báo cơ quan công an. Ngoài vụ việc trên, cả hai còn thực hiện hành vi lừa đảo đối với 2 trường hợp khác. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt là 1,6 tỷ đồng.

Đối với hành vi làm giả giấy báo nhập học, vì đối tượng Thiệu đã thu lại bản chính và tiêu hủy nên cơ quan điều tra không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo Hiển chỉ thừa nhận một phần hành vi phạm tội và đề nghị HĐXX xem xét một số tình tiết mà trong bản cáo trạng chưa làm rõ. Luật sư Phạm Hồng Kiên cũng đề nghị làm rõ số tiền lừa đảo, tiền vay nợ dân sự.

Do đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tin bài liên quan