Cầm nhầm 45 triệu đồng của ngân hàng không trả lại, khách hàng lĩnh án tù

Cầm nhầm 45 triệu đồng của ngân hàng không trả lại, khách hàng lĩnh án tù

(ĐTCK) Đã có vụ việc người nhận được chuyển khoản/trả thừa tiền nhưng cố tình không trao trả bị xem xét xử lý hình sự.

“Nhắm mắt” làm theo tư vấn

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vừa giải quyết một vụ tranh chấp giao dịch tiền gửi. Theo đó, một doanh nghiệp ở Hà Nội có mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại và có khoản tiền nhàn rỗi hơn 3 tỷ đồng.

Vào ngày 16/4/2018, bà Nguyễn Thị Hương là cán bộ kế toán công ty đến ngân hàng nộp tiền trả góp mua xe ô tô cho công ty. Khi giao dịch, bà Thúy - giao dịch viên đã tư vấn cho bà Hương rút số tiền nhàn rỗi từ tài khoản công ty để gửi tiết kiệm thì sẽ có khoản lãi suất cao hơn.

Bà Hương nghe theo tư vấn và về hỏi ý kiến lãnh đạo công ty. Hội đồng quản trị công ty đã đồng ý ký giấy ủy nhiệm chi để bà Hương đến ngân hàng giao dịch gửi tiền tiết kiệm đứng tên công ty. Thủ tục gửi tiền tiết kiệm phải do chủ doanh nghiệp trực tiếp đến ngân hàng và ký hợp đồng tiền gửi. Mặc dù biết rõ nghiệp vụ nhưng bà Thúy vẫn thực hiện các thao tác gửi tiền doanh nghiệp nhưng phát hành 3 sổ tiết kiệm đứng tên cá nhân bà Nguyễn Thị Hương.

Bà Hương cầm 3 quyển sổ tiết kiệm trên về bàn giao cho thủ quỹ công ty. Vài ngày sau, công ty bất ngờ nhận được “trát” của ngân hàng đã phong tỏa số tiền trên. Lúc này, doanh nghiệp mới kiểm tra lại thì phát hiện các sổ tiết kiệm đứng tên bà Hương. Công ty đã làm việc với ngân hàng đề nghị gỡ lệnh phong tỏa và đòi lại tiền nhưng ngân hàng không đồng ý, do đó buộc phải khởi kiện ra tòa án. 

Thực tế, bà Nguyễn Thị Hương có khoản vay vài tỷ đồng tại ngân hàng và chưa tất toán. Ngân hàng phong tỏa số tiền trên nhằm mục đích đối trừ khoản nợ của bà Hương.

Trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, các bên đều tranh cãi về nguồn gốc số tiền trên. Ngân hàng cho rằng bà Hương là chủ sở hữu số tiền hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đã chứng minh nguồn gốc số tiền trên là của công ty và điều này thể hiện rất rõ ở các bảng kê tiền.

Trong vụ việc này có lỗi của ngân hàng vì giao dịch viên không tư vấn đầy đủ, gây nhầm lẫn chủ thể gửi tiền. Song về phía công ty cũng có lỗi vì không kiểm tra kịp thời, khắc phục sai sót. Tòa án xác định do hai bên đều có nhầm lần nên giao dịch dân sự vô hiệu.

Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Cơ quan tố tụng xác định, trong trường hợp này, ngân hàng không có quyền phong tỏa tài khoản khách hàng. Vì theo Nghị định 101/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt, về nguyên tắc khi ngân hàng tiến hành phong tỏa tài khoản phải có điều kiện như có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền pháp luật theo quy định pháp luật; hoặc khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền…

Do đó, tòa án cũng tuyên buộc ngân hàng phải xóa bỏ lệnh phong tỏa; hủy giao dịch dân sự tiết kiệm và hoàn trả hơn 3 tỷ đồng tiền gốc cho công ty. 

“Bạc mặt” đòi tiền

Trong vụ việc trên, cơ quan tố tụng xác định lỗi xuất phát từ cả 2 phía: ngân hàng và khách hàng; dù vô tình hay hữu ý nhưng những nhầm lẫn đều dẫn đến hậu quả là đối tượng phải “bạc mặt” đòi lại tiền nếu phía nhận được không có ý định hoàn trả. Với khoản tiền nhỏ, nhiều người có thể tặc lưỡi bỏ qua, nhưng với những khoản tiền vài chục triệu đồng, hoặc tiền tỷ, họ buộc phải khởi kiện ra tòa án.

Đơn cử trong vụ việc gần đây, Tòa án nhân dân tại TP.HCM đã giải quyết vụ việc một khách hàng chuyển hơn 4,5 tỷ đồng cho một công ty xuất nhập khẩu để góp vốn. Nhưng khi giao dịch tại ngân hàng, khách hàng này đã chuyển nhầm vào tài khoản một công ty khác.

Hơn một ngày sau, khách hàng phát hiện sai sót nên đến ngân hàng phản ánh. Ngân hàng đã làm việc với ngân hàng đối tác, nhưng phía công ty nhận được tiền không đồng ý trả, đồng thời muốn rút số tiền khỏi tài khoản. Việc tranh chấp phải viện tới tòa án và khách hàng phải xuất trình các chứng cứ chứng minh bản thân không có giao dịch với công ty chuyển nhầm tiền.

Trên thực tế, trong quá trình giao dịch, không chỉ có việc khách hàng gửi tiền xảy ra sai sót mà đã có tình huống cán bộ ngân hàng cũng nhầm lẫn và trả thừa tiền cho khách hàng.

Với những vụ việc có chứng cứ rõ ràng về việc người nhận được chuyển khoản/trả thừa tiền nhưng cố tình không trao trả, có trường hợp đã bị xem xét xử lý hình sự như vụ án của ông Vương Ngọc Huệ (huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Năm 2013, ông Huệ đến một ngân hàng thương mại làm thủ tục rút khoản tiền 5 triệu đồng. Nhân viên ngân hàng đã nhìn nhầm 5 triệu thành 50 triệu đồng và lấy 250 tờ tiền loại mệnh giá 200.000 đồng đưa cho ông Huệ.

Cuối giờ làm việc, phòng giao dịch kiểm kê và thấy thiếu 45 triệu đồng. Kiểm tra hệ thống camera, ngân hàng phát hiện chi nhầm cho ông Huệ 45 triệu đồng. Khi làm việc, ông Huệ không trả lại tiền. Ngân hàng báo sự việc với cơ quan pháp luật. Sau đó, ông Huệ bị xử lý hình sự nhận mức án 9 tháng tù về tội Chiếm giữ tài sản. Năm 2014, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xem xét phúc thẩm và tuyên cho ông được hưởng án treo.

Tin bài liên quan