Cái giá của thời gian

Cái giá của thời gian

(ĐTCK) Có một câu nói của Shark Thái Vân Linh trong chương trình truyền hình thực tế “Thương vụ bạc tỷ” đã truyền cảm hứng cho nhiều người, đó là: “Nếu đứng ở bên trong cánh cửa, chúng ta chỉ nhìn thấy một điểm, nhưng nếu mở toang cánh cửa và bước ra bên ngoài, chúng ta sẽ nhìn thấy được bao quát các điểm…”. Trong giới luật sư cũng có những câu nói tương tự là “nhìn thật rộng và đánh tập trung”, quan trọng nhất là không để cảm xúc dẫn dụ.

Quan sát nhiều phiên tòa dân sự, tôi nhận thấy, khi đứng trước các vấn đề pháp lý, nhiều người thường bày tỏ cảm xúc một cách thái quá. Họ thường để cảm xúc dẫn dắt và biến vụ việc theo hướng cảm tính, tức là biến một vấn đề pháp lý thành “một câu chuyện cá nhân”.

Gần đây, tôi có tham dự phiên tòa dân sự giải quyết vụ tranh chấp giữa các cổ đông để xây dựng một dự án trường học quốc tế.

Dự án có mục đích rất tốt đẹp là xây dựng một môi  trường giáo dục theo chuẩn mực quốc tế, song khi bắt tay thực hiện thì xảy ra chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa những người góp vốn.

Một dự án có nhiều cổ đông tham gia nhưng mâu thuẫn chủ yếu đến từ 2 cổ đông chính giữ vai trò lãnh đạo của hai trường.

Câu chuyện khiến tôi nhớ mãi trong những năm tác nghiệp ở chốn pháp đình - nơi mà nhiều người không muốn bước chân đến, bởi lẽ họ không chỉ là những nhà đầu tư, cổ đông, người nắm giữ quyền điều hành doanh nghiệp, mà đó còn là hiệu trưởng của các trường học có hàng nghìn học sinh đang học tập.

Một dự án học đường có ý nghĩa tốt đẹp rốt cục lại dần trở thành cuộc chiến pháp lý đúng nghĩa của các bên.

Một bên luôn lấy lý lẽ rất gay gắt rằng “một nửa chiếc bánh mỳ thì vẫn là bánh mỳ nhưng một nửa sự thật thì không thể là sự thật” để mong cơ quan tố tụng xem xét.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày xét xử, các luật sư biện hộ phần nào hé lộ bản chất của sự việc và những tình tiết không thể chối cãi rằng chính các bên đã tự nghĩ ra cách thức làm mà đôi khi những hình thức đó không phù hợp với quy định pháp luật.

Do đó, kể cả các bên có tố nhau là “lừa dối”, “cướp đất” thì tòa án vẫn phải làm dựa trên những căn cứ của luật định.

Trong cuốn sách “Trí tuệ cảm xúc”, nhà tâm lý học Daniel Goleman có câu: “Bất cứ ai cũng có thể trở nên giận dữ - đó là điều rất dễ xảy ra.

Tuy nhiên, để giận đúng người, với mức độ thích hợp, đúng thời điểm, vì những lý do chính đáng và biểu lộ sự tức giận đúng cách - lại là điều không dễ”.

Công đường cũng giống như một xã hội thu nhỏ và ở đó có đủ hỉ, nộ, ái, ố. Đối với một số người, trong cuộc sống khi đứng trước một sự việc nào đó họ thường nghĩ đến đủ mọi trường hợp sẽ xảy ra, kể cả những trường hợp xấu nhất và tốt nhất để phòng ngừa và có cách ứng biến kịp thời, hoặc là không bị quá chới với.

Nhưng dường như trong vòng xoáy của cuộc sống thường nhật, những cảm xúc vụn vặt chất chồng khiến không phải ai cũng đủ tỉnh táo để thoát ra những suy nghĩ tiêu cực. 

Có một cặp vợ chồng tuổi đã xế chiều, quê ở Hoài Đức đã lặn lội đi từ sớm để lên tòa án cấp cao để giải quyết phúc thẩm một vụ tranh chấp đất với người hàng xóm.

Khi ngồi quán trà đá trò chuyện, cô vợ ngỏ ý “nhờ viết giùm đơn giám đốc thẩm”.

Trong câu chuyện phiếm ở quán nước, người phụ nữ này kể bị người hàng xóm lấn mất mấy mét vuông đất ở lối đi, hai vợ chồng bà đã hầu tòa đủ các giai đoạn, nào là sơ thẩm, phúc thẩm nhưng “vì không đúng nên cô muốn viết đơn lên giám đốc thẩm”.

Nói chuyện một hồi thì những người xung quanh vội khuyên vì biết các thủ tục tố tụng không đơn giản mà quan trọng nhất là nội dung trình bày không có tính thuyết phục, không có căn cứ pháp lý mà chỉ là những câu chuyện dông dài của cuộc sống thường ngày.

Điều này không phải là lỗi hiếm gặp của nhiều người khi đối diện với những vấn đề pháp lý.

Có một câu chuyện mà tôi còn nhớ mãi khi tác nghiệp, đó là một bác trung niên ở Hà Nội khi về hưu đã vác đơn đi tố cáo, khởi kiện 3 công ty và một cơ quan nhà nước.

Theo lời kể của bác này, khi bác còn công tác ở một nhà máy in có nghĩ ra một phương án phát hành xổ số tiết kiệm và hiệu quả so với phương án phát hành truyền thống.

Đây là một tác phẩm in và được cấp văn bằng bảo hộ. Sau khi nghỉ hưu, bác phát hiện ra có 3 doanh nghiệp đã “sử dụng trái phép tác phẩm của mình”.

Theo ý bác là họ đã sao chép và “nặn” ra những tờ vé số mới dựa trên ý tưởng của mình.

Những năm trước, bác gửi thư đến các cơ quan này nhưng không được giải quyết. Vài năm gần đây, bác quyết định khởi kiện ra tòa án để đòi lại công bằng với số tiền yêu cầu bồi thường lên tới hàng chục tỷ đồng.

Các doanh nghiệp đều ủy quyền cho luật sư đại diện tham gia tố tụng, song bác thì luôn đi một mình. Mặc dù trải qua rất nhiều cấp tòa án và nhiều phiên xét xử nhưng các kết quả gần đây đều không theo như ý muốn song “khổ chủ” không có ý định bỏ cuộc.

Cũng bởi vì quá trình kiện tụng mất rất nhiều thời gian và công sức của các đương sự mà trong thời gian qua, ngành tòa án đã đẩy nhanh thủ tục hòa giải như là một kênh để kết nối, gỡ rối cho các bên để tìm được điểm cân bằng lợi ích.

Nhờ đó có thể rút ngắn thời gian tố tụng, tiết kiệm chi phí cho các đương sự. Đó cũng là điều mà người dân và doanh nghiệp đều mong mỏi khi “gõ cửa” công đường.

Tin bài liên quan