Bộ Công Thương “tuýt còi” 16 Công ty đa cấp “chui“

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách cập nhật 16 doanh nghiệp đa cấp không có giấy phép trên địa bàn cả nước và có hình thức xử lý cụ thể.

Cục cũng đã trình Bộ Công Thương và được Bộ Công Thương ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Phát hiện 16 công ty đa cấp “chui”

Theo Bộ Công thương, 16 doanh nghiệp bán hàng đa cấp “chui” tồn tại trên các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hoá.

Trong đó, riêng Hà Nội có 10 doanh nghiệp gồm: CTCP Thương mại Merro, CTCP Thương mại quốc tế Focus Việt Nam, CTCP Đầu tư toàn cầu đại dương xanh, Công ty Công nghệ mới và phát triển quốc tế Amkey Việt Nam, CTCP Phát triển thương mại Lotus Việt Nam, CTCP Đầu tư và phát triển Union Việt Nam, CTCP BigForest, Công ty cổ phần KDM Việt Nam, CTCP Thiên Phương Việt Nam...

6 doanh nghiệp còn lại thuộc các tỉnh thành khác gồm: Hộ kinh doanh Trương Thị Kim Nguyệt (Quảng Nam), CTCP Khoa học Công nghệ Trường Sinh (Nghệ An), CTCP Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo (Bà Rịa Vũng Tàu), Công ty TNHH Hải Nam Quy Nhơn (Bình Định), CTCP Đầu tư xúc tiến thương mại Hợp Phát (Thanh Hoá).

Các doanh nghiệp này chủ yếu vi phạm quy định về cấp và bổ sung giấy chứng nhận đăng ký. Một số doanh nghiệp cũng bị phạt do đưa thông tin gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm hay kinh doanh đa cấp với hàng hóa chưa đăng ký.

Xử lý minh bạch và quản lý sát sao

Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với cơ quan chức năng Bình Định và Thanh Hoá xử lý 2 công ty gồm Công ty TNHH Hải Nam Quy Nhơn (Bình Định) và Công ty cổ phần Đầu tư xúc tiến thương mại Hợp Phát (Thanh Hoá).

Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị trong trường hợp phát hiện hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp này, người dân có thể thông báo với Sở Công Thương, cơ quan công an địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cũng dịp này, cơ quan quản lý về cạnh tranh đã ra quyết định đóng cửa thêm một doanh nghiệp kinh doanh đa cấp là Công ty CP Mạng lưới Đầu tư & Thương mại Toàn Cầu (thành phố Hồ Chí Minh) do ông Huỳnh Đức Tuấn là người đại diện và yêu cầu trong vòng 90 ngày sau quyết định chấm dứt hoạt động, Công ty này có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã xử phạt hàng loạt doanh nghiệp bán hàng đa cấp với các vi phạm về mập mờ thông tin nhà phân phối và sản phẩm, thiếu minh bạch trong công tác thuế, đăng ký webside và hợp đồng không phù hợp với quy định…

Ngoài ra, để chấn chỉnh lại hoạt động bán hàng đa cấp, cơ quan quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải báo cáo các thông tin chi tiết như: tên, địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ các chi nhánh, văn phòng đại diện…

Bên cạnh đó, báo cáo phải nêu rõ kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2016 gồm doanh thu bán hàng, thống kê về các sản phẩm kinh doanh, số lượng người, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế trả cho người tham gia mạng lưới.

Công ty đa cấp cũng phải báo cáo số lượng hội nghị, hội thảo, đào tạo, báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm 2015, thông tin về kết quả nộp thuế của doanh nghiệp năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016.

Đặc biệt, Cục Quản lý Cạnh tranh đã trình Bộ Công Thương và được Bộ Công Thương ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản yêu cầu các Sở Công Thương yêu cầu thực hiện đúng chỉ thị.

Bộ cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, không ngừng đưa ra cảnh báo về biểu hiện của các công ty đa cấp biến tướng, nhằm ngăn ngừa người dân bị thiệt hại. Cơ quan quản lý cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kinh doanh bán hàng đa cấp tới từng khu dân cư. Bộ Công Thương cũng đang đề xuất và trình Chính phủ sửa đổi nghị định quy định về bán hàng đa cấp theo hướng quản lý và siết chặt hơn nữa về bán hàng, kinh doanh đa cấp.

Tin bài liên quan