Bầu Kiên biện hộ tại Tòa trong phiên xét xử sáng 21/5 (ảnh chụp qua màn hình)

Bầu Kiên biện hộ tại Tòa trong phiên xét xử sáng 21/5 (ảnh chụp qua màn hình)

Bầu Kiên tiếp tục phản bác cáo trạng và đọc vanh vách nhiều điều luật

(ĐTCK) Biện hộ cho các hành vi bị truy tố, "bầu" Kiên đọc "vanh vách" nhiều điều luật trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các quy định về chứng khoán. Ông Kiên cũng khẳng định không kinh doanh vàng trái phép như cáo trạng truy tố, mà đầu tư vào sản phẩm tài chính phái sinh trạng thái giá vàng của Ngân hàng ACB.

Trong ngày 21/5, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục xét hỏi về hành vi kinh doanh trái phép.

Ông Kiên thừa nhận có thành lập 6 công ty, góp vốn cùng một số cá nhân khác, lúc thì ông Kiên làm đại diện theo pháp luật, lúc cử người khác làm. Ông Kiên cũng thừa nhận những con số về lượng tiền đã góp vốn, sử dụng đầu tư qua các công ty này như cáo trạng đã nêu.

Tuy nhiên, ông Kiên phủ nhận cách hiểu, cách nhận thức bản chất hoạt động kinh doanh, đầu tư của các công ty này như cáo trạng đã nêu.

Cụ thể, tại Công ty B&B do ông Kiên góp vốn cùng với em gái và vợ. Ông Kiên là người đại diện theo pháp luật đồng thời là Chủ tịch HĐQT. “Chúng tôi hoạt động kinh doanh theo đúng Giấy phép đăng ký kinh doanh” – ông Kiên khẳng định tại tòa.

Theo ông Kiên, Công ty B&B có hai loại hoạt động chính là kinh doanh và đầu tư, đây là hai hoạt động độc lập. Về kinh doanh, Công ty B&B ký hợp đồng với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái ông Kiên) nhận ủy thác đầu tư tài chính và bà Hương ủy quyền cho B&B ký hợp đồng với ACB ủy thác. Đầu tư thì công ty này đã tham gia đầu tư vào rất nhiều DN khác nhau. Đã sử dụng 1.200 tỷ tổng số 1.400 tỷ đồng vốn góp để đầu tư.  

“Đây không phải các khoản kinh doanh tài chính như cáo trạng đã nêu, mà là các khoản đầu tư đúng pháp luật” – ông Kiên nói.

Tại Công ty Thiên Nam, giấy đăng ký kinh doanh nhiều mặt hàng, gần như toàn bộ các mặt hàng cho phép kinh doanh, trừ những mặt hàng kinh doanh có điều kiện.  

Tại phiên tòa, ông Kiên khẳng định, cáo trạng sai, không đúng quy định pháp luật và các công ty của ông Kiên đã đầu tư, kinh doanh theo đúng pháp luật.

Trước HĐXX, ông Kiên còn đọc “vanh vách” hàng loạt các điều luật như điều 4, điều 7, điều 8, điều 13 Luật DN định nghĩa hoạt động kinh doanh, hoạt đồng góp vốn, hoạt động đầu tư, tham gia thành lập DN khác. Điều 26 Luật Đầu tư cho phép DN được góp vốn dưới 2 hình thức đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp cũng như một số quy định của Luật Chứng khoán.

Về hoạt động kinh doanh vàng, ông Kiên nhiều lần khẳng định Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng mà chỉ nhận chuyển giao trạng thái giá vàng, ủy thác đầu tư tài chính với ACB và VietBank, 2 hợp đồng với 2 ngân hàng này không có nội dung nào nói là Thiên Nam mua bán vàng.

Ông Kiên giải thích, Ngân hàng ACB là định chế tài chính, được phép kinh doanh các sản phẩm tài chính, có giấy phép kinh doanh vàng, kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài. Do đó, ACB tạo ra sản phẩm tài chính phái sinh là sản phẩm trạng thái giá vàng và được phép cung cấp cho khách hàng. Còn Công ty Thiên Nam chỉ đầu tư vào chứng từ có giá theo Luật Đầu tư.

Quy định của Chính phủ có nêu rõ thế nào là kinh doanh vàng và trước năm 2012 không có quy định nào nói về trạng thái giá vàng, không nói về sản phẩm tài chính phái sinh về vàng. Phải đến năm 2012, Ngân hàng Nhà nước mới xác định các hoạt động này là kinh doanh có điều kiện.

“Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng, không kinh doanh vàng trạng thái, mà là đầu tư vào sản phẩm giá vàng, vào sản phẩm tài chính phái sinh của Ngân hàng ACB, sản phẩm này đã được định nghĩa rất rõ trong hợp đồng” – ông Kiên nói.

Ông Kiên khai: Tôi không thực hiện đầu tư giá vàng, khi Thiên Nam ký hợp đồng thì anh Trung ký với vị trí TGĐ, việc này không cần thiết báo cáo với HĐQT. Các giao dịch có thông báo qua điện thoại, nên tôi được HĐQT ủy quyền kiểm tra giao dịch qua điện thoại. Tôi yêu cầu khi anh Trung ký hợp đồng thì phải quy định rõ trách nhiệm, trách nhiệm là của anh Trung.

Nhận chuyển giao trạng thái là thẩm quyền của TGĐ, tôi không có ý kiến, không cần ủy quyền cho anh Trung. Sau này, các hệ lụy phát sinh tôi chịu trách nhiệm cá nhân giúp anh Trung khắc phục. Anh Trung ký tất cả các lệnh giao dịch và ACB đều kiểm tra từng lệnh một.

Tôi không đặt lệnh trực tiếp, lệnh phải bằng văn bản, thông báo qua điện thoại và ghi âm, đây là hình thức thỏa thuận giữa Thiên Nam và ACB và sau đó phải có văn bản ngay trong ngày.

Tôi thừa nhận, số lượng giao dịch nhưng không thừa nhận bản chất như VKS đã nêu. Tôi đầu tư giá vàng chứ không mua vàng.

Đề nghị HĐXX kiểm tra phiếu lệnh, trong các phiếu lệnh đó không có nội dung nào là mua và bán,

Tại thời điểm đó, pháp luật không quy định yêu cầu kinh doanh vàng phải có giấy phép và đến năm 2012 mới là mặt hàng kinh doanh có điều kiện mà trước đó chỉ là sản phẩm đầu tư tài chính.

Trước đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) và các lãnh đạo khác của Hòa Phát đã có mặt tại phiên tòa xét xử "bầu" Kiên và có lời khai liên quan đến việc mua, bán 20 triệu CP Thép Hòa Phát đã bị thế chấp với Công ty ACBI của "bầu" Kiên.

 Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát khai tại tòa (Ảnh chụp qua màn hình)

 

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát  khai: Quen biết anh Kiên từ năm 2001, anh em hay café với nhau vì cùng mê bong đá. Nhưng không có làm ăn gì, vì ông Kiên làm ngân hàng, Hòa Phát về sản xuất thép.

Tập đoàn Hòa Phát có 14 công ty thành viên, khoảng 10.000 nhân viên, nhưng hoạt động của riêng mỗi công ty thì các công ty  khác không biết.

Về giao dịch mua CP từ Công ty ACBI, ông Long khai: Khi đó, Tập đoàn chủ tương co về ngành hàng chính là sản xuất thép. nên chúng tôi muốn tăng lượng CP sở hữu lên 100%. Do đó, tôi muốn mua lại số CP từ bên ông Kiên. Quá trình đàm phán, tôi chính là người đề nghị mua, giá cả thì đơn giản, sau chốt giá 13.200 đồng/CP.

Ông Long hai lần nhấn mạnh tại phiên tòa: “Tôi không biết CP đã bị thế chấp cho ngân hàng, nếu biết thì đã không mua”.

Ông Kiều Chí Công, Tổng giám đốc, đại diện Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát khai: Sau khi có sự thống nhất của HĐQT về chủ trương mua lại số CP của CTCP Thép Hòa Phát thì bộ phận pháp chế của Công ty lập hợp đồng và ký kết.

 Ông Kiều Chí Công (ảnh chụp qua màn hình)

Ký hợp đồng xong, Thép Hòa Phát đã chuyển tiền vào tài khoản của Công ty ACBI làm 3 đợt. Theo hợp đồng thì sau khi chuyển tiền, Công ty ACBI sẽ phải chuyển CP, nhưng Công ty ACBI vẫn chưa chuyển CP, ông Công không thúc ép mà do trên Tập đoàn (Tập đoàn Hòa Phát – PV) thúc ép.

Ngày 5/9/2012, Thép Hòa Phát có đơn yêu cầu cơ quan chức năng điều tra và làm rõ vấn đề liên quan đến CP, vì theo ông Công: “Tôi thấy tôi có trách nhiệm trước cổ đông”. Công ty này còn gửi một đơn nữa ngày 5/11/2012.

Đến giờ, Công ty ACBI đã nhận lại số tiền 264 tỷ đồng, còn số CP vẫn chưa chuyển cho Thép Hòa Phát, tức hợp đồng không thực hiện được.

Ông Kiều Chí Công cho rằng, hành vi của ông Kiên và các đồng phạm có vi phạm hay không thì do pháp luật xem xét quyết định.

Ông Công cũng khẳng định, khi ký hợp đồng thì không biết số CP đã được thế chấp tại Ngân hàng ACB.

Ông Trần Tuấn Dương (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát) khai: Có quen biết với ông Kiên từ lâu, hai bên không có mâu thuẫn gì. Khi mua bán không biết việc thế chấp, khi đàm phán cũng không hỏi.

 Ông Trần Tuấn Dương (ảnh chụp qua màn hình)

Đại diện CTCP Thép Hòa Phát khai: CTCP Thép Hòa Phát là đơn vị sản xuất thép, ACBI là công ty đầu tư, là cổ đông. Khi Công ty ACBI thế chấp, có biết việc CP bị thế chấp, vì có ký xác nhận để Công ty ACBI có thể thế chấp. Mặc dù có ký xác nhận, nhưng vị đại diện này đã không báo cáo vì “quên mất".

Đại diện Thép Hòa Phát (ảnh chụp qua màn hình)

"Sau này tôi cũng không biết là có việc xác nhận đó. Khi Thép Hòa Phát mua lại CP thì tôi không thông báo vì không nhớ ra việc thế chấp này”, vị đại diện này khai.

Ông Lê THanh Hải, Trưởng phòng Pháp chế, đại diện ACB khai: Có biết việc ACB có nhận thế chấp, khi ACBI có công văn xin giải chấp gửi ACBS, thì CTCK ACBS có báo cáo và quan điểm là không chấp nhận. Ngày 17/9/2012, Ủy ban tín dụng của ACB sau khi xem xét hồ sơ phê duyệt không đề nghị giải chấp vì chưa đủ tài sản bảo đảm. Theo ông Hải nhận thức, khi bán CP mà chưa được giải tỏa là không đúng.

 Ông Lê Thanh Hải

 
 

CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI) do ông Nguyễn Đức Kiên làm đại diện theo pháp luật, đồng thời là Chủ tịch HĐQT, sở hữu khoảng 29,9 triệu CP của CTCP Thép Hòa Phát.

Tháng 5/2010, ông Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, đại diện Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,49 triệu CP Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2012, ông Kiên biết Tập đoàn Hòa Phát có chủ trương tăng sở hữu vốn của Tập đoàn này tại các công ty thành viên, trong đó có Thép Hòa Phát.  Dù hơn 20 triệu CP của Thép Hòa Phát đang được thế chấp cho Ngân hàng ACB, nhưng ông Kiên vẫn chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng CP cho Tập đoàn Hòa Phát. Sau khi ký hợp đồng, phía Hòa Phát đã chuyển 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI, số tiền này ông Kiên đã chỉ đạo rút ra chi trả các khoản nợ nhưng không chuyển trả CP cho phía Hòa Phát.

Cơ quan chức năng xác định hành vi này của ông Kiên và Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin bài liên quan