Bản kết luận sai sót “kinh điển” của 55 dự án giao thông

Dàn trải, manh mún, nợ đọng kéo dài, vỡ kế hoạch vốn... là những sai sót lộ diện tại 55 dự án hạ tầng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước do 9 sở giao thông - vận tải làm chủ đầu tư.
Bản kết luận sai sót “kinh điển” của 55 dự án giao thông

Mặc dù chỉ dài chưa đầy 9 trang A4, nhưng những sai sót, hạn chế trong công tác quản lý vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông tại một số địa phương vừa được Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) công bố tại Kết luận Thanh tra số 3352/KL - BGTVT ngày 28/3/2014 đều thuộc vào hàng “kinh điển” .

Bản kết luận này được đưa ra sau khi Thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra về trách nhiệm quản lý thanh toán, quyết toán dự án hoàn thành đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước do Bộ GTVT quản lý từ năm 2000 đến nay tại 9 Sở GTVT là: Lạng Sơn, Bắc Cạn, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Bình, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Vĩnh Long và Tiền Giang.

Những hạn chế, sai sót chính

Hạn chế đầu tiên chính là việc bất chấp đều là dự án do Bộ GTVT quản lý, nhưng đã  thiếu hẳn sự thống nhất giữa các sở GTVT trong việc thực hiện các dự án khi điều hành  các dự án.

Vì thế, mặc dù hầu hết các dự án đều có tổng mức đầu tư không lớn, trong đó có 18 dự án dưới 100 tỷ đồng; 22 dự án từ 100 tỷ đến 200 tỷ đồng; 6 dự án từ 300 tỷ đến 500 tỷ đồng và 9 dự án trên 500 tỷ đồng..., nhưng được phân chia rất tùy tiện, tạo nên tình trạng manh mún trong vận hành dự án.

Chẳng hạn, tình trạng trên một quốc lộ và trong địa bàn một tỉnh, thì tuyến được tách nhỏ ra thành nhiều dự án (như ở Lạng Sơn, Quốc lộ 4B lập thành 3 dự án, Quốc lộ 4A thành 2 dự án; ở Lào Cai, Quốc lộ 4D được chia thành 3 dự án, Quốc lộ 279 thành 5 dự án; ở Quảng Bình, Quốc lộ 12A được chia thành 7 dự án...). Rồi trong 1 dự án lại chia nhỏ thành nhiều gói thầu.

“Ngoài việc làm tăng chi phí, tăng vốn đầu tư, việc có quá nhiều gói thầu tại 1 dự án khiến công tác quản lý chất lượng, tiến độ của chủ đầu tư bị hạn chế”, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT nêu rõ. Hơn nữa, việc giảm quy mô gói thầu nhằm mục đích mở cơ hội cho các nhà thầu nhỏ đã vô tình thu hút rất nhiều nhà thầu kém năng lực vào thi công. Hệ quả là, hoặc tiến độ, hoặc là chất lượng thi công sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Hạn chế thứ hai là, công tác quản lý chi phí tại các dự án do 9 sở GTVT. Thanh tra Bộ GTVT đánh giá công tác này là rất kém. Tính đến ngày 31//12/2013, đã có 38/55 dự án phải điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư, với giá trị sau điều chỉnh tăng lên 4.757 tỷ đồng. Con số này chắc chắn chưa dừng lại, bởi hiện còn ít nhất 10 dự án đang làm thủ tục xin “nới đai” tổng mức đầu tư, do phải điều chỉnh biến động giá do thi công kéo dài, phát sinh khối lượng.

Hiện kỷ lục điều chỉnh tổng mức đầu tư đang thuộc về Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4D do Sở GTVT Lào Cai làm chủ đầu tư, với 5 lần điều chỉnh, tăng 85% tổng mức đầu tư.

Thống kê của đoàn thanh tra cho thấy, trong số 55 dự án, có 5 dự án phải điều chỉnh 4 lần; 6 dự án điều chỉnh 3 lần và 10 dự án điều chỉnh 2 lần.

Hạn chế lớn thứ ba trong công tác quản lý dự án tại các địa phương là việc bố trí vốn còn kéo dài, không sát với thực tế.

Mặc dù có quy mô vốn không lớn, nhưng có tới 14/55 dự án có thời gian bố trí vốn “vắt qua” 3 lần kế hoạch 5 năm (15 năm), trong đó Lạng Sơn có 2 dự án, Lào Cai có 2 dự án, Bắc Cạn 1 dự án, Quảng Bình có 1 dự án, Vĩnh Long 2 dự án...

Chồng chéo công nợ

Do quản lý kém, nên hiện công nợ tại 55 dự án là khá lớn, bao gồm các khoản chủ đầu tư nợ nhà thầu và nhà thầu nợ lại chủ đầu tư do khối thi công thực tế thấp hơn giá trị tạm ứng.

Tính đến đầu năm 2014, tổng các khoản nhà thầu nợ các chủ đầu tư là 413 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là Điện Biên 176 tỷ đồng, Lào Cai 165 tỷ đồng... Tổng các khoản Nhà nước nợ các chủ đầu tư là 259,6 tỷ đồng...

Đối với 15 dự án đã hoàn thành, nhưng chưa quyết toán, các khoản vốn ngân sách nhà nước nợ các doanh nghiệp là 68 tỷ đồng. Đây là các khoản nhà thầu đã thi công, nghiệm thu xong, nhưng không bố trí vốn thanh toán, nên công tác quyết toán gặp khó khăn (Lào Cai nợ nhà thầu tại Dự án Cầu Cốc Lếu 38 tỷ đồng, nợ tại Quốc lộ 279 là 3,2 tỷ đồng; Lạng Sơn nợ nhà thầu tại Quốc lộ 4A, 4B là 2,4 tỷ đồng...).

Không chỉ bố trí vốn thiếu, việc sử dụng vốn đầu tư đã xuất hiện tình trạng lãng phí lớn, đơn cử là trường hợp của Dự án Quốc lộ 28 đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3 và 4 do Sở GTVT Lâm Đồng làm chủ đầu tư.

Ngoài việc cấp vốn vượt so với phương án thống nhất (quá 156 tỷ đồng), do không  xuất phát từ nhu cầu vốn thực tế đảm bảo tiến độ phù hợp tích nước thủy điện, nên hiện tại, toàn bộ khối lượng thi công đường công vụ toàn tuyến bị ngập nước không sử dụng được và phải thay đổi biện pháp thi công trụ cầu làm tăng chi phí.

“Chủ đầu tư đều mua bảo hiểm xây dựng, nhưng hầu như không có dự án nào được Bảo hiểm bồi thường, dù quá trình thi công đều xảy ra những sự cố về mưa, bão, sạt lở”, ông Huyện chỉ rõ.

Tránh nhiệm để xảy ra những sai sót này được Thanh tra Bộ GTVT quy cho Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 9 sở GTVT. Các đơn vị này phải tiến hành tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đề ra các giải pháp khắc phục các tồn tại, đặc biệt trong triển khai những dự án tiếp theo.

Tin bài liên quan