Án kiện hành chính: Vì sao tố tụng bị kéo dài?

Án kiện hành chính: Vì sao tố tụng bị kéo dài?

(ĐTCK) Người dân và doanh nghiệp ngày càng có ý thức hơn trong việc khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính của các cán bộ, cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc giải quyết các vụ kiện hành chính thường kéo dài, tốn thời gian, công sức cho đương sự.

Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Trong quá trình triển khai thực hiện Luật, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đã cơ bản thực hiện đúng các quy định pháp luật trong công tác quản lý hành chính. Tuy nhiên, một số trường hợp quyết định hành chính còn thiếu sót, dẫn tới nhiều vụ việc trở thành điểm nóng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết án hành chính khu vực phía Bắc, ông Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho biết, trong 3 năm qua, kể từ khi thực hiện Luật Tố tụng hành chính 2015 đã  có 4.391 án kiện có nội dung là khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính đã được thụ lý.

Trong đó, có tới 80% án kiện hành chính thuộc lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường khi giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân dẫn tới số lượng án hành chính đất đai chiếm tỷ trọng lớn là do phát sinh từ việc thu hồi đất để phục vụ dự án khu công nghiệp, khu đô thị, xây dựng mới, hoặc mở rộng các tuyến đường giao thông…

Trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước chưa làm tốt công tác tuyên truyền, công khai đối thoại. Cùng với đó, việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa đúng quy định, dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu kiện hành chính.

Khi đã có khiếu kiện, công tác giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước có lúc còn chậm, chưa phù hợp với quy định của pháp luật, dẫn đến việc công dân tiếp tục khởi kiện ra tòa án.

Bên cạnh án kiện hành chính về đất đai của người dân, còn có một bộ phận án kiện với nội dung doanh nghiệp khởi kiện các cơ quan quản lý hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan...

Chẳng hạn, mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn HTA (tại Khu công nghiệp VS Bình Dương) đã khởi kiện cơ quan thuế tỉnh Bình Dương. Cụ thể, trong quá trình hoạt động, Công ty HTA đã tăng sản lượng so với quy mô sản xuất đăng ký ban đầu. Phần sản lượng gia tăng, Công ty HTA không kê khai nộp thuế. Doanh nghiệp giải trình, sản lượng tăng lên nhờ vào hiệu suất công việc cao hơn ước tính ban đầu của chủ đầu tư và nằm trong công suất sản xuất máy móc đã đăng ký ban đầu.

Trong khi đó, cơ quan thuế áp dụng “chính sách thuế đối với hoạt động đầu tư thường xuyên” và truy thu hơn 1,5 tỷ đồng. Không đồng tình với quyết định của Cục thuế tỉnh Bình Dương, Công ty HTA đã đệ đơn khởi kiện.

Hay trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuân Cầu khởi kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam vì đã ban hành Quyết định 388/QĐ-TCĐBVN ngày 22/3/2013 về việc hủy kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, quốc lộ 1A, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử, nhưng phiên tòa bị hoãn nhiều lần dẫn đến vụ việc bị kéo dài.

Trên thực tế, khi vụ việc khiếu nại hành chính đã được khởi kiện ra tòa án, nhiều trường hợp người bị kiện tham gia tố tụng và ủy quyền cho người khác. Do người được ủy quyền không có thẩm quyền giải quyết vụ việc liên quan đến khiếu kiện hành chính nên thường dẫn đến việc giải quyết vụ án khó khăn.

Nhiều trường hợp người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa án, không cử đại diện tham gia phiên tòa. Điều này dẫn đến vụ án bị kéo dài, làm ảnh hưởng tiến độ, chất lượng giải quyết vụ án.

Gợi mở về phương hướng giải quyết các vụ án hành chính, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh tới việc quan tâm giải quyết những khiếu nại, thắc mắc về các quyết định hành chính, hành vi hành chính ngay tại cơ sở, hạn chế giải quyết ở giai đoạn tố tụng.

Theo ông Trí, trong giai đoạn tố tụng, các cơ quan tố tụng cần bố trí nhân sự có năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu xét xử. Cán bộ xử lý vụ việc cũng cần chủ động tiếp cận hồ sơ đầy đủ ngay từ đầu, cập nhật các quy định pháp luật mới ban hành, xác định chính xác thời điểm áp dụng luật theo quy định… nhằm giải quyết thấu tình, đạt lý các vụ án hành chính, đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước, của công dân.    

Tin bài liên quan