6 tháng cuối năm sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra vào lĩnh vực quản lý, điều hành chính sách

Đánh giá về tốc độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm mới đạt 46,5% dự toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, số thu ngân sách trong 6 tháng là phù hợp. “Từ nay đến cuối năm, ngành tài chính phải tập trung cao độ, quyết tâm vượt dự toán 5 -8%”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Năm ngân sách năm 2017 đã qua được một nửa, nhưng số thu mới đạt 46,5% dự toán. Thưa Bộ trưởng, năm nay liệu có hoàn thành dự toán thu đã được Quốc hội quyết định?

Mặc dù thu ngân sách 6 tháng mới đạt 46,5% dự toán, nhưng tăng gần 14% so cùng kỳ năm 2016. Nếu so với cùng kỳ năm 2016 thì thu ngân sách năm nay khả qua hơn vì năm ngoái, 6 tháng đầu năm số thu cũng chỉ đạt 47% dự toán, nhưng chỉ tăng 6,1%.

6 tháng cuối năm sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra vào lĩnh vực quản lý, điều hành chính sách ảnh 1

Ông Đinh Tiến Dũng 

Đáng lưu ý, thu nội địa năm nay tăng 12,4%, sau khi trừ đi số thu từ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước, tức là thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế đã đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. Mức tăng thu này, theo tôi là phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong 6 tháng đầu năm.

Thông thường, trong 6 tháng đầu năm số thu bao giờ cũng dưới 50% dự toán, do đặc tính của nền kinh tế nước ta là vào những tháng cuối năm mới tập trung đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, với số thu đã đạt được, chúng tôi tin rằng, năm nay sẽ vượt dự toán 5-8%, nhưng từ nay đến cuối năm, toàn ngành tài chính vẫn phải tập trung cao độ, bởi trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa hết khó khăn.

Nhiều năm trở lại đây, trong khi ngân sách địa phương tăng thu thì ngân sách trung ương lại hụt thu. Tình trạng này liệu có diễn ra trong năm nay không?

Tại Kỳ họp Quốc hội thứ hai, chúng tôi báo cáo, dự kiến số thu ngân sách trung ương hụt thu 8.000 - 12.000 tỷ đồng, nhưng cuối cùng chỉ hụt thu khoảng 321 tỷ đồng; ngân sách địa phương dự kiến vượt thu 36.000 tỷ đồng, cuối cùng vượt thu 82.3900 tỷ đồng.

Còn trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi số thu ngân sách trung ương mới hoàn thành 41,5% dự toán thì số thu ngân sách địa phương đã hoàn thành 54% dự toán. Bài học, kinh nghiệm quản lý thu ngân sách năm 2016 đã và đang được ngành tài chính thực hiện trong năm nay cũng như các năm tiếp theo với mục tiêu đặt ra là cố gắng không để ngân sách trung ương hụt thu.

Đó là những kinh nghiệm, bài học gì?

Đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp chống thất thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, chống nợ đọng. Với giải pháp này, năm 2016, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra được gần 84.500 doanh nghiệp, qua đó xử lý tăng thu cho NSNN gần 17.200 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2015; đôn đốc, cưỡng chế thu được 42.500 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng 13,2% so với năm 2015, đưa số dư nợ thuế tại thời điểm 31/12/2016 xuống còn 74.100 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2015. 

Dư địa tăng thu ngân sách qua thanh tra, kiểm tra chống gian lận thuế, trốn thuế, chuyển giá, nợ đọng thuế còn rất lớn. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong năm nay cũng như các năm tiếp theo sẽ bảo đảm được cân đối NSNN, trong đó có ngân sách trung ương.

Từ nay đến cuối năm, Thanh tra tài chính và các đơn vị thanh tra thuộc Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra vào lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; tài chính doanh nghiệp; các nguồn kinh phí tại đơn vị hành chính, sự nghiệp; quản lý giá, thuế… Một mặt làm trong sạch môi trường kinh doanh, đầu tư, mặt khác góp phần tăng thu NSNN, vì như tôi nói dư địa tăng thu qua thanh tra, kiểm tra chống thất thu, nợ đọng thuế còn rất lớn.

Về lâu dài cần phải có các giải pháp căn cơ để bảo đảm cân đối NSNN chứ không chỉ trông chờ vào thanh, kiểm tra?

Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ, Quốc hội Luật Thuế bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế; Luật Thuế tài sản. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để tái cơ cấu lại NSNN trong điều kiện giá dầu giao dịch ở mức thấp; hội nhập, mở cửa phải cắt giảm thuế quan và các khoản thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu.

Đổi mới phương thức quản lý tài chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong 3 lĩnh vực này thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác quản lý.

Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể là, tiếp tục rà soát lại hết mọi chi phí đóng góp của doanh nghiệp, kể cả thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và toàn bộ các khoản chi phí khác mà doanh nghiệp phải bỏ ra và tìm cách cắt giảm thì mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là kế sách lâu dài để tăng thu NSNN bền vững, ổn định.

Mục tiêu cụ thể của các chính sách này là gì, thưa Bộ trưởng?

Tỷ lệ huy động vào NSNN giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 20 - 21% GDP, phấn đấu tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Trong tổng thu NSNN, tỷ trọng thu nội địa khoảng 84 - 85%, còn lại là dầu thô và xuất nhập khẩu; tỷ trọng thu ngân sách trung ương 60 - 65%; giảm dần tỷ lệ bội chi, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi. Quy mô nợ công hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP…

Tin bài liên quan