4 tháng hoạt động của công ty tạo ra tiền ảo iFan

Từ lúc ra đời đến khi biến mất chỉ vài tháng, Công ty Modern Tech đã huy động được hơn 15.000 tỷ đồng, theo tố cáo của các nhà đầu tư.

Công ty cổ phần Modern Tech vừa bị hàng chục nhà đầu tư tố cáo lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức ICO (kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo) iFan, Pincoin (được trả lãi). 

ICO được số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng nhưng thực chất, công ty này chỉ tồn tại vỏn vẹn hơn 4 tháng. Theo đăng ký kinh doanh, 8 người đã sáng lập nên Modern Tech từ ngày 31/10/2017 với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Họ chia đều tỷ lệ sở hữu mỗi người khoảng 12-15%, trong đó ông Vũ Hữu Lợi (15%) là cổ đông lớn nhất. Ông Vũ Hữu Lợi trước đó từng là một trong những nhân vật cấp cao của Công ty đa cấp Vision Việt Nam. 

Sau khi lập công ty, các thành viên cốt cán của Modern Tech tổ chức những buổi thuyết trình tại các khách sạn để huy động vốn thông qua tiền ảo. Nhưng chỉ hoạt động trong hơn 4 tháng, Modern Tech nhanh chóng thông báo đóng mã số thuế với Cục Thuế TP HCM vào ngày 7/3/2018, ngay trước thời điểm bị tố cáo chiếm đoạt 15.000 tỷ từ nhà đầu tư. 

Một phần trong danh sách hàng trăm công ty cùng thuê tại Lầu 9, Tòa nhà Vietcomreal - Trụ sở theo đăng ký của Công ty Modern Tech. Ảnh: PĐ

Một phần trong danh sách hàng trăm công ty cùng thuê tại Lầu 9 của một tòa nhà trên đường Nguyễn Huệ (TP HCM), trụ sở theo đăng ký của Modern Tech. Ảnh:Phương Đông

Dù đăng ký với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, Modern Tech chỉ có 9 nhân viên, theo văn bản gửi cơ quan Thuế TP HCM.

Còn theo đăng ký kinh doanh, Modern Tech đặt trụ sở tại tầng 9, một tòa nhà trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM. Thế nhưng, theo khảo sát, đây thực tế chỉ là địa chỉ văn phòng ảo. Cũng tại mặt bằng hơn 100 m2 này còn có sự hiện diện của khoảng 200 công ty khác.

Đại diện Công ty Replus - đơn vị cho Modern Tech thuê văn phòng cho biết, công ty này từ lúc ký hợp đồng không có nhân viên nào đến làm việc. Những hoạt động thông thường của một doanh nghiệp như gặp mặt khách hàng, trao đổi thư từ, giấy tờ với các đối tác cũng không xuất hiện tại địa chỉ này.

Người đại diện theo pháp luật là ông Hồ Xuân Văn, sinh năm 1988. Chiều 10/4, người phụ nữ là chủ số điện thoại mà ông Văn báo với Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, mình chỉ là người được đại diện Modern Tech thuê làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Chi phí Modern Tech trả cho chị khi ấy là "vài triệu đồng". 

Doanh nghiệp bị tố lừa đảo 15.000 tỷ đồng này đăng ký 10 lĩnh vực hoạt động, với ngành nghề chính là thiết kế website. Trong số đó, Modern Tech chỉ có hai ngành nghề liên quan tới tài chính là hoạt động tư vấn quản lý và hỗ trợ dịch vụ tài chính.

Trước những tố cáo của nhà đầu tư iFan, Pincoin và một số đồng tiền ảo khác, Modern Tech vẫn chưa có động thái phản hồi.

Ông Vũ Hữu Lợi (trái) tại một buổi hội thảo thu hút đầu tư vào iFan của Modern Tech.

Ông Vũ Hữu Lợi (trái) tại một buổi hội thảo thu hút đầu tư vào iFan của Modern Tech.

Theo thông tin từ phía các nhà đầu tư, iFan và Pincoin khi công bố đều được gắn mác là những đồng tiền quốc tế được thành lập tại Singapore hay Ấn Độ. Tuy nhiên theo thống kê của Similarweb tháng 12/2017, 91% lượt truy cập vào iFan.io - website chính của đồng tiền này, đến từ Việt Nam.

iFan được đơn vị vận hành giới thiệu là đồng tiền ảo sử dụng cho các dịch vụ liên quan đến showbiz. Thông qua những buổi giới thiệu cơ hội đầu tư hoành tráng, những cam kết lợi nhuận lên tới gần 2% mỗi ngày, cùng với hoa hồng cao theo mô hình đa cấp, kênh đầu tư này khiến không ít nhà đầu tư tin và rót hàng nghìn, tới hàng chục nghìn USD để đầu tư.

Để tăng tính hấp dẫn, Modern Tech đã liên tục thông báo về kết quả ICO (huy động vốn) cho đồng tiền ảo iFan lập kỷ lục "cháy hàng", đưa ra các gói thưởng định kỳ hàng ngày, tuần và tháng hấp dẫn, hay thậm chí cả những phần thưởng hiện vật lớn cho những người đứng đầu (leader) các nhánh.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn trả lãi như cam kết, đơn vị vận hành đồng tiền này đã thay đổi phương thức trả lãi sang tiền ảo, ngoài ra hạn mức đầu tư tối thiểu để rút lợi nhuận cũng liên tục tăng lên để "ép" nhà đầu tư rót thêm tiền. Nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt không chỉ với lợi nhuận mà cả phần vốn gốc ban đầu.

Gần đây các giao dịch trực tuyến liên quan đến các đồng tiền ảo này đã đóng lại, không còn dấu vết để truy xuất nguồn gốc. Một số nhà đầu tư thừa nhận họ đã buông xuôi và bằng lòng với khoản bồi thường cực kỳ ít ỏi so với số tiền đã đổ vào các đồng tiền ảo này.

Trước đó, trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định những đồng tiền ảo không phải là tiền tệ cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

"Chúng tôi đề nghị người dân, các doanh nghiệp không nên tham gia vào các hoạt động này", ông Minh nói.

Tin bài liên quan