Ngân hàng khó kiểm soát tài sản bảo đảm là kho hàng (ảnh minh họa)

Ngân hàng khó kiểm soát tài sản bảo đảm là kho hàng (ảnh minh họa)

Xét xử giám đốc lừa đảo ngân hàng chiếm đoạt gần 14 tỷ đồng

(ĐTCK) Ngày 3/10, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Khuất Văn Phú và các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt gần 14 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.

Theo tài liệu vụ án, bị cáo Khuất Văn Phú là Giám đốc Công ty TNHH Phú Dương, đã sử dụng hợp đồng mua bán thép khống giữa Công ty Phú Dương với các Công ty Tân Nghệ An, Công ty Thép Mới, Công ty Lê Tôn để đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Bị cáo Khuất Văn Phú thỏa thuận với nhóm lãnh đạo các công ty nói trên để xuất khống hóa đơn GTGT, lập phiếu thu khống, lập khống biên bản giao nhận hàng hóa, ký khống biên bản kiểm kê hàng hóa, ký hợp đồng thuê kho ba bên sau đó tạo dựng nên hồ sơ khống để vay tiền SHB.

Tháng 2/2008, Khuất Văn Phú đại diện Công ty Phú Dương ký hợp đồng tín dụng với SHB, hạn mức 3,5 triệu USD, tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho, hàng hóa hình thành từ vốn vay. Sau đó SHB đã giải ngân cho Công ty Phú Dương theo các khế ước nhận nợ.

Bị cáo Phú bàn bạc với Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty Thép Mới để lập hợp đồng mua bán khống vay tiền ngân hàng trả nợ, hai bên ký hợp đồng mua bán 1.750.000 kg thép cán nóng, tổng giá trị hợp đồng là 23,1 tỷ đồng. Tháng 9/2008, SHB đã giải ngân cho vay hơn 16,1 tỷ đồng.

Do cần tiền trả nợ, Khuất Văn Phú tiếp tục đề nghị SHB cho vay vốn. Để được vay vốn, bị cáo Phú bàn với bị cáo Ngọc và Lê Anh Nguyên, Giám đốc Công ty Lê Tôn để ký các hợp đồng mua bán thép lòng vòng. Cụ thể, Công ty Tân Nghệ An bán thép cho Công ty Lê Tôn, Công ty Lê Tôn lại bán thép tiếp cho Công ty Phú Dương số lượng 1.580.000 kg, trị giá 19,9 tỷ đồng.

Bị cáo Phú đã sử dụng hợp đồng và các chứng từ mua bán để đưa vào hồ sơ vay vốn SHB và được giải ngân 13,9 tỷ đồng.

Đến nay, các bị cáo đã khắc phục được 16 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 13,9 tỷ đồng.

Đối với các cán bộ SHB tham gia thẩm định, nghiên cứu, phê duyệt hồ sơ vay vốn, cơ quan điều tra chưa phát hiện sự thông đồng giữa các cán bộ và nhóm bị cáo.

Sau khi phát hiện hành vi gian dối, các cán bộ ngân hàng đã chủ động tố giác hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ ngân hàng.

Riêng Phạm Văn Huy, nguyên Phó trưởng phòng giao dịch Cầu Giấy – người trực tiếp đi kiểm tra tài sản bảo đảm, đã bỏ việc trong quá trình điều tra và đi khỏi nơi cư trú. Đến nay, cơ quan điều tra chưa xác định được nơi cư trú của Phạm Văn Huy nên chưa triệu tập để lấy lời khai.

Được biết, phiên tòa sẽ diễn ra trong hai ngày 3-4/10/2018.

Quá trình điều tra xác định, Khuất Văn Phú còn bàn bạc với Lê Văn Ngọc, Hoàng Tuấn Lê ký khống hợp đồng mua bán thép, xuất khống hóa đơn, biên bản giao nhận, hợp thức hóa hồ sơ để vay tiền một ngân hàng khác. Đến nay, còn nợ ngân hàng này số tiền 7,8 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2014, Ngân hàng có công văn rút đơn tố cáo đã nộp. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra xét thấy không cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. 
Tin bài liên quan