Vụ Vũ nhôm: Luật sư nghi ngại cách tính thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Ngày 9/1, phiên tòa xét xử vụ án Vũ nhôm và 2 cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư. Một số ý kiến luật sư nghi ngại về cách tính thiệt hại trong vụ án này.
Vụ Vũ nhôm: Luật sư nghi ngại cách tính thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng

Theo cáo trạng, hành vi làm trái của bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và các đồng phạm tại 22 nhà đất công sản và 7 dự án bất động sản đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 22.000 tỷ đồng.

Luật sư Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, việc tính thiệt hại là không chính xác, vì không thể lấy giá đất của năm 2018 áp vào giá năm 2006 - thời điểm TP. Đà Nẵng mới có 2 cây cầu, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Do đó, luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Luật sư Trần Việt Hùng cho rằng, cần làm rõ xác định thiệt hại. Thiệt hại phải là có thật, phải đo đếm, ước lượng được. Luật sư cho rằng, phải tính ở thời điểm xảy ra hành vi phạm tội và phải xác định được mối quan hệ nhân quả. Hành vi có thể trái pháp luật, nhưng nếu không gây ra hậu quả thì không quy trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, việc xác định hậu quả phải tuân theo quy trình tố tụng nhất đinh, nếu không thì không được coi là chứng cứ.  

Còn theo luật sư Trần Quang Sơn, ông không quan tâm giá cao hay thấp, mà là có đúng pháp luật hay không. Luật sư đồng tình với quan điểm của đồng nghiệp, khẳng định, phải tính thiệt hại ở thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Còn kết luận định giá của Hội đồng định giá Trung ương và cáo trạng truy tố tại thời điểm khởi tố là vi phạm Bộ luật Hình sự.

Luật sư viện dẫn Nghị định 26/2005/CP quy định thì nguyên tắc định giá phải phù hợp với giá trị thị trường, tại nơi tài sản bị xâm hại. Tức là phải tính ở thời điểm UBND TP. Đà Nẵng ra quyết định thu hồi đất.

Đề cập đến phương pháp xác định thiệt hại là lấy giá đất năm 2018 trừ đi giá trị sử dụng đất năm 2004, 2006 để ra số tiền thất thoát là không đúng. Khi so sánh phải đưa về cùng hệ quy chiếu.

Theo thông tư 55/2006-BTC về định giá quy định thời điểm, thời gian thu thập là 30 ngày trước và 30 ngày sau thời điểm tài sản bị xâm hại. Nếu không xác định được thời gian đó thì mở rộng thời gian thu thập thêm 1 tháng trước và sau.

Luật sư Sơn lo ngại, việc áp dụng pháp luật không đúng gây ra hệ lụy là có thể tạo tiền lệ xấu.

Luật sư Trần Việt Hùng còn có quan điểm, cáo trạng truy tố các bị cáo theo Điều 219, Bộ luật Hình sự là không có căn cứ, trừ khi phải làm lại cáo trạng.

Trong sáng nay, bào chữa cho các bị cáo là cấp dưới bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức, tham mưu cho bị cáo Trần Văn Minh ra quyết định trái pháp luật, một số luật sư đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Lý do là bởi các bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo và văn bản quy định do UBND TP. Đà Nẵng ban hành.

Một số ý kiến luật sư cũng cho rằng, trong vụ án này không có đồng phạm. Các bị cáo làm theo công việc, theo quy chế của UBND.

Tin bài liên quan