Bị cáo Hải tại phiên tòa sơ thẩm năm 2018.

Bị cáo Hải tại phiên tòa sơ thẩm năm 2018.

Vụ tiến sỹ dạy làm giàu: Vì sao Công ty Reenco Hòa Bình kháng cáo?

(ĐTCK) Công ty cho rằng, quyết định của bản án sơ thẩm là không có căn cứ và xâm hại đến quyền lợi, gây thiệt hại cho tài sản và cản trở hoạt động của công ty.

Từ ngày 9-10/5/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Thanh Hải (SN 1966, ở quận Hà Đông, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế - IDT, chủ trang mạng Học làm giàu) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm năm 2018, TAND TP. Hà Nội đã xử phạt bị cáo mức án chung thân và tuyên tiếp tục giữ nguyên quyết định phong tỏa số tiền bị cáo góp vốn vào 14 pháp nhân là hơn 100 tỷ đồng, trong đó CTCP Reenco Hòa Bình là 18,4 tỷ đồng.

Công ty Reenco Hòa Bình đã kháng cáo bản án sơ thẩm.

Công ty Reenco Hòa Bình cho biết, công ty thành lập năm 2010, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, có 13 cổ đông, trong đó giá trị vốn đã góp là 11,4 tỷ đồng.

Theo tài liệu lưu giữ tại công ty, CTCP IDT là cổ đông sáng lập Công ty Reenco Hòa Bình. Tính đến tháng 6/2014, IDT sở hữu 510.000 cổ phần, sau đó mua thêm 144.100 cổ phần, sở hữu 654.1000 cổ phần.

Ngày 6/12/2014, IDT chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần nắm giữ tại Reenco cho bà Nguyễn Thị Mỹ Phúc với giá trị thanh toán trong hợp đồng là 6,5 tỷ đồng.

Công ty Reenco cho rằng, bà Phúc không phải là cổ đông sáng lập công ty mà chỉ trở thành cổ đông sau khi nhận chuyển nhượng vốn. Giá trị chuyển nhượng cổ phần thực tế là bao nhiêu, công ty không có quyền và nghĩa vụ phải biết. Bản chất số tiền bà Phúc đã trả cho Công ty IDT là số tiền thanh toán để bà trở thành chủ sở hữu 654.100 cổ phần.

Nếu xét về mặt vốn hóa, tổng giá trị vốn của bà Phúc tại công ty là 6,5 tỷ đồng. Bởi vậy, kết luận điều tra và bản án xác định bị cáo Hải đầu tư vào Công ty Reeco là 18,4 tỷ đồng là không có căn cứ.

Công ty cho rằng quyết định của bản án sơ thẩm là không có căn cứ và xâm hại đến quyền lợi, gây thiệt hại cho tài sản và cản trở hoạt động của công ty.

Vì lẽ Công ty Reenco không có hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi nhận chuyển nhượng cổ phần và mua cổ phần chào bán tại Công ty của bà Phúc không vi phạm điều cấm của pháp luật. Việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty là quyền của cổ đông và do các cổ đông tự quyết định. Mặt khác, theo quy định Luật Doanh nghiệp, tài sản góp vốn của cổ đông IDT trở thành tài sản của công ty.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Hải huy động vốn từ năm 2008. Đến năm 2014, các hợp đồng chưa tất toán có số tiền lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Để huy động số tiền lớn, bị cáo đưa ra các thông tin gian dối là IDT đang triển khai các dự án có lãi cao, Hải là chủ tịch HĐQT có nhiều kinh nghiệm tài chính…

Để các nhà đầu tư đưa tiền, bị cáo đưa ra lãi suất cao 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền, đồng thời khuyến khích mở rộng mạng lưới và chi từ 2-10% tiền thưởng kết nối môi giới cho mỗi hợp đồng.

Số tiền huy động vốn, bị cáo sử dụng để quay vòng trả lãi cho bị hại, chi 157 tỷ đồng góp vốn vào công ty khác với danh nghĩa cá nhân, tự ý cho vay không lãi suất 114 tỷ đồng. Hiện bị cáo mất khả năng thanh toán.

Cơ quan điều tra đã làm việc với hơn 2.500 bị hại nhưng chỉ có hơn 500 người hợp tác, còn những người khác không hợp tác hoặc còn bị lôi kéo…

Cấp sơ thẩm tuyên buộc những cá nhân, tổ chức vay phải trả lại cho bị cáo Hải gồm ông nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty xây dựng công nghệ cao Việt Nam 30 tỷ đồng, bà Phan Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Khu phức hợp giải trí Khang Thông, Long An 88,2 tỷ đồng, CTCP Đầu tư kết nối doanh nhân và tầm nhìn thế giới 5,4 tỷ, CTCP công nghệ quốc tế IDT 20,6 tỷ đồng.

Tin bài liên quan