Ranh giới nào để phân biệt hành vi nào là giết người, hành vi nào là cố ý gây thương tích?(Ảnh minh họa)

Ranh giới nào để phân biệt hành vi nào là giết người, hành vi nào là cố ý gây thương tích?(Ảnh minh họa)

Vụ nhân viên Công ty Xây dựng 204 thuê người “cảnh cáo” đồng nghiệp trở thành án lệ

(ĐTCK) Để trả thù đồng nghiệp đã chụp ảnh lúc mình say rượu rồi báo cáo lãnh đạo, bị cáo đã thuê người đánh đồng nghiệp. Không ngờ, đồng nghiệp tử vong. 

Cùng một hành vi dẫn đến thiệt hại tính mạng người khác trái pháp luật, người thực hiện hành vi có thể bị quy kết về tội Giết người hoặc bị quy kết tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Hậu quả của hành vi là như nhau, người bị hại có thể chỉ bị xâm phạm về sức khỏe, chịu thương tổn và cũng có thể bị xâm phạm đến tính mạng. Nhưng khung hình phạt cho hai tội danh là khác nhau rất xa.

Khung hình phạt cho tội Cố ý gây thương tích thấp hơn so với tội Giết người. Với tội Giết người, khung hình phạt cao nhất là tử hình, trong khi tội Cố ý gây thương tích khung hình phạt cao nhất là chung thân.

Vậy ranh giới nào để phân biệt hành vi nào là giết người, hành vi nào là cố ý gây thương tích?

Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội), về mặt chủ quan, giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn nạn nhân chết nhưng hậu quả không xảy ra là ngoài ý muốn của họ. Trong trường hợp cố ý gây thương tích, người phạm tội chỉ muốn gây thương tích cho người khác chứ không muốn làm chết người.

Nhưng xác định yếu tố chủ quan này (ý định của người phạm tội thực sự là gì, giết người hay cố ý gây thương tích) là không dễ dàng. Vì thế khi ra tòa, các bị cáo bị cáo buộc giết người thường khăng khăng rằng không có ý định giết người mà vì tức giận, bức xúc chỉ định đánh một trận cho hả giận… nhưng không ngờ, lỡ tay vào chỗ hiểm, chẳng may gây ra chết người.

Hàng chục năm qua, đã có nhiều tranh luận tại các phiên tòa và các hội nghị của các cơ quan tố tụng xung quanh vấn đề phân biệt hai tội này. Dù vậy, hai tội này vẫn làm các cơ quan tố tụng phải nhức đầu bởi ranh giới giữa chúng rất mong manh, dễ nhập nhằng.

Cần có ý kiến cơ quan chuyên môn trước khi sử dụng án lệ

Thực tiễn xét xử cũng không thống nhất, với các hành vi tương tự, nơi này cho là Giết người, nơi khác lại bị truy tố Cố ý gây thương tích.

Chính vì vậy, án lệ số 01 được đưa ra để thống nhất đường lối xét xử, đưa ra cơ sở xác định thế nào là cố ý gây thương tích, thế nào là giết người.

Theo án lệ này, vụ án xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai cá nhân cùng làm việc tại CTCP Xây dựng 204 thuộc Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng (được giao nhiệm vụ thi công, xây dựng cầu Thanh Trì). Người đã chết là người đã chụp ảnh đồng nghiệp uống rượu say trong giờ làm việc rồi báo cáo lãnh đạo.

Vị đồng nghiệp bị chụp ảnh đã thuê người trả thù, dùng dao đâm vào tay, chân người bị hại và đã trả công tổng cộng 2 triệu đồng. Không ngờ, vết đâm vào đúng tĩnh mạch, động mạnh ở sau đùi gây chảy nhiều máu. Nguyên nhân chết được xác định là sốc mất máu cấp cứu không hồi phục được.

Ban đầu bị cáo bị tuyên phạm tội giết người, sau nhiều phiên tòa xét xử (4 bản án), Hội đồng thẩm phán tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại.

Án lệ này xác định, trong vụ án có đồng phạm nếu chứng minh ý thức của người chủ mưu chỉ là thuê người khác gây thương tích mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ. Cụ thể, là chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người. Người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu. Việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì chỉ là tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, việc ban hành án lệ này là cần thiết. Với án lệ này, các hành vi tấn công vào phần trọng yếu của cơ thể ví dụ như vị trí tim, đầu, động mạch cổ, phổi… sẽ bị quy kết là Giết người. Với hành vi tấn công vào vị trí không trọng yếu như tay, chân... thì được xác định là cố ý gây thương tích.

“Tuy nhiên, cần có hướng dẫn hoặc tham khảo chuyên môn của cơ quan y tế nhằm xác định phần trọng yếu có thể gây thiệt hại tính mạng ngay lập tức là các phần nào? Cũng như vị trí nào không phải là trọng yếu”, Luật sư Vũ Ngọc Chi nói.

Theo Luật sư Chi, thực tế các vụ án giết người hoặc Cố ý gây thương tích cho thấy, có những vị trí nguy hiểm chết người ngay lập tức và có những vị trí không gây chết người. Song giữa hai ranh giới này, có những vị trí mà khi bị tấn công gây mất máu cấp, rất nguy hiểm, có thể gây chết người (tuy không ngay lập tức) rất nhanh, ví dụ như động mạch chủ ở phía sau đùi. Vì vậy, cần có cơ quan chuyên môn về y tế phân định rõ phần trọng yếu trên cơ thể con người để làm căn cứ xét xử.

Tin bài liên quan