Vụ khách hàng kiện Keangnam: Sẽ kháng cáo

Vụ khách hàng kiện Keangnam: Sẽ kháng cáo

(ĐTCK) Sau khi bị Tòa bác đơn khởi kiện, đại diện khách hàng khẳng định sẽ tiếp tục kháng cáo và rất thất vọng vì bản án sơ thẩm công nhận việc Keangnam phân chia diện tích chung vào mỗi căn hộ để bán. 

Luật sư Nguyễn Văn Sơn, (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói rằng bản án sơ thẩm còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Ví dụ như vấn đề ngoại hối, Nghị quyết 04 là để hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế theo Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Mà Pháp lệnh này thì đã hết hiệu lực từ năm 2005. Áp dụng văn bản hướng dẫn cho một văn bản pháp luật đã hết hiệu lực là không phù hợp.

Về cách tính diện tích, có sự mâu thuẫn trong quy định Luật Nhà ở và Thông tư 01/2009 của Bộ Xây dựng. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ trường hợp cùng một nội dung mà có sự mâu thuẫn giữa các văn bản hướng dẫn thì nguyên tắc là phải áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn. Tức là phải áp dụng Điều 70 của Luật Nhà ở, đo thông thủy. Việc áp dụng Thông tư 01 là trái với tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Bản án này chưa đảm bảo cơ sở pháp lý”, luật sư của nguyên đơn nhấn mạnh.

Đại diện nguyên đơn, bà Lê Xuân Hoa khẳng định sẽ kháng cáo và rất thất vọng với bản án bởi Tòa án không công nhận một điều là hợp đồng của Keangnam đã cố ý gây hiểu nhầm cho khách hàng về mặt diện tích. Thông tư 01/2009 quy định dù tính theo cách nào, tim tường hay thông thủy, cũng phải quy định rõ có bao nhiêu m2 thuộc sở hữu riêng và bao nhiêu m2 là thuộc sở hữu chung. Nhưng Keangnam không thực hiện.

Theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật Nhà ở thì người bán chỉ được bán những gì thuộc sở hữu của họ, tức là chỉ được bán diện tích riêng. Diện tích chung thuộc về cộng đồng dân cư và Keangnam không được quyền bán. Nhưng trong căn hộ mà nguyên đơn mua, có tới 15m2 thuộc sở hữu chung.

“Chúng tôi sẽ kháng cáo để làm rõ liệu Keangnam có quyền bán diện tích chung, vốn không thuộc sở hữu Keangnam?”

Bà Lê Xuân Hoa cho biết đã làm việc với Bộ Tư pháp và Uỷ ban pháp luật của QH để đề nghị các cơ quan kiểm tra rõ hướng dẫn của Bộ Xây dựng trong Công văn 124 cho tính diện tích chung vào diện tích căn hộ để bán là đúng hay sai. Bộ Tư pháp và Ủy ban pháp luật đã có văn bản khẳng định hướng dẫn cho tính cả diện tích thuộc sở hữu chung tại Công văn 124 là không đúng và vi phạm Luật Nhà ở.

“Với căn hộ A710, khách hàng chịu thiệt 15m2, tương đương với gần 1 tỷ đồng. Theo đại diện Keangnam trình bày tại Tòa thì Keangnam đã bán được 950 căn hộ. Tính ra, Keangnam đã “bội thu” của khách hàng lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Với việc điều chỉnh giá bán từ USD về VND, số tiền chênh lệch cho mỗi căn hộ vào khoảng 700 triệu đồng – 1 tỷ  đồng tùy diện tích, Keangnam đút túi gần 1.000 tỷ đồng nữa”, bà Hoa nói.

Trước đó, trong các ngày 12 – 17/6, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đã đưa ra xét xử vụ kiện dân sự tranh chấp hợp đồng giữa khách hàng và Chủ đầu tư Keangnam.

Bản án sơ thẩm bác yêu cầu đề nghị tuyên vô hiệu hợp đồng mua bán của nguyên đơn nhưng điều chỉnh giá bán căn hộ từ USD sang VND. Việc điều chỉnh này khiến giá bán căn hộ giảm xuống khoảng 700 triệu đồng. Tòa án xác định diện tích căn hộ thực tế chỉ ít hơn so với hợp đồng là 0,791m2. Bản án cũng bác yêu cầu phản tố của nguyên đơn.

Tin bài liên quan