Vụ AVG: Bị cáo Phạm Nhật Vũ không muốn bị mang tiếng khuất tất

Vụ AVG: Bị cáo Phạm Nhật Vũ không muốn bị mang tiếng khuất tất

(ĐTCK) Tại Tòa, nguyên Chủ tịch HĐQT AVG khai rằng, một trong những lý do khiến bị cáo trả lại tiền chuyển nhượng cổ phần là vì bị cáo không muốn mang tiếng dùng tiền khuất tất để giúp người nghèo.

Trong vụ AVG, bị cáo Phạm Nhật Vũ bị truy tố tội Đưa hối lộ.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Nhật Vũ khai khi thực hiện chuyển nhượng, bị cáo là cổ đông và là Chủ tịch HĐQT AVG. Hiện, bị cáo không còn là cổ đông của AVG.

Theo kế quả điều tra, cuối năm 2015, Mobifone đã ký hợp đồng mua 95% cổ phần với các cổ đông của AVG. Từ ngày 28/12/2015 đến ngày 15/01/2016 (19 ngày) Mobifone đã thanh toán 8.445,324 tỷ đồng (tương đương 95% tổng giá trị hợp đồng) cho các cổ đông AVG.

Sau này, hai bên đã hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng.

Tính đến 29/8/2018, Mobifone nhận được 8.774 tỷ đồng từ đại diện cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG. Bao gồm: số tiền Mobifone đã thanh toán cho nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần là 8.445 tỷ đồng và 329 tỷ đồng là số tiền trả cho các chi phí liên quan đến dự án và khoản lãi tính cho số tiền Mobifone đã thanh toán.

HĐXX hỏi bị cáo Vũ về số tiền này. Bị cáo Vũ khai, bị cáo tự nguyên trả thêm số tiền 329 tỷ đồng so với số tiền đã nhận được.

Về lý do, bị cáo Vũ trình bày: "Lúc đó dư luận có nhiều dị nghị. Bị cáo thề là không có ý định chiếm đoạt của Nhà nước, của nhân dân. Bị cáo bàn với gia đình, vay mượn. Thực ra là đã lo thu xếp từ 1 năm trước đó, chứ không phải lúc hủy hợp đồng mới làm.

Bị cáo trả lại để không bị mang tiếng, chứng minh bản thân không chiếm đoạt.

Nhiều lúc bị cáo nghĩ, bị cáo giúp người nghèo nhiều năm, bị cáo không muốn bị mang tiếng khuất tất, giúp người nghèo bằng tiền khuất tất.

Với những người có trách nhiệm trong việc mua bán này, bị cáo cũng muốn bớt trách nhiệm cho họ. Nên bị cáo trả".

Về phần trả thêm, theo bị cáo Vũ, thực ra đây là mua bán, không phải vay mượn. Nhưng Mobifone bảo phải tính lãi nếu không sau này vẫn bị nói là có thiệt hại, nên cuối cùng vẫn tính với nhau (tiền lãi).

"Kết luận xác định tiền lãi 115 tỷ đồng nhưng bị cáo đã trả 200 tỷ đồng. Khi đó, bàn với Mobifone, Mobifone tính lãi suất của ngân hàng rồi bảo trả 200 tỷ đông. Bị cáo cũng vui vẻ, bị cao trả thôi.

Sau đó, mọi người nói còn chi phí khác như tư vấn, định giá, bị cáo cũng trả hết", bị cáo Vũ khai.

Bị cáo Phạm Nhật Vũ còn khai, đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Bắc Son (3 triệu USD), bị cáo Trương Minh Tuấn (200.000 USD), bị cáo Lê Nam Trà (2,5 triệu USD), bị cáo Cao Duy Hải (500.000 USD).

Lý do đưa tiền, theo bị cáo Vũ là để cảm ơn những người quyết định việc mua bán này. Trước đó, không thỏa thuận đưa tiền, khi đã thực hiện xong giao dịch, bị cáo tự đưa tiền.

Trả lời câu hỏi: “Bên bán có lãi nhiều không?”, bị cáo Vũ trình bày, nếu nói lãi thì nhẩm tiền chi ra cũng xêm xêm, hòa không lãi.

HĐXX hỏi: Tính tiền chi ra có tính số tiền đã đưa cho những người ở Bộ Thông tin và Truyền thông và Mobifone?

Về số tiền đưa cho những ở Bộ Thông tin và Truyền thông và Mobifone, bị cáo Vũ khai, đó là tiền cá nhân bị cáo cáo từ việc làm ăn khác từ xưa đến nay.

Trả lời câu hỏi tiền chi ra và thu về là tương ứng, nhưng vì sao vẫn chi nhiều tiền cho các cá nhân khác, bị cáo Vũ khai rằng: "Thực ra, đấy là những cái bị cáo nhẩm nhẩm, bây giờ bán đi thì cũng thu về như chi ra, coi như là đạt được mục đích của mình. Bị cáo không định làm việc này nữa, muốn chuyển sang làm việc khác".

Tại tòa, bị cáo Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobifone thừa nhận, bị cáo biết AVG đang thua lỗ, nhưng theo bị cáo, nếu tính toán bằng phương pháp dòng tiền, thì dự báo phát triển của AVG rất tốt, vẫn đảm bảo hiệu quả của dự án.

Bị cáo thừa nhận có sai phạm và bày tỏ ân hận, mong HĐXX xem xét lại các việc đã làm, đã hủy hợp đồng, thu hồi tiền, có hành vi khắc phục hậu quả. Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét và châm chước cho bản thân bị cáo và các bị cáo của Mobifone được hưởng khoan hồng.

Tin bài liên quan