Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa

Vụ án Vũ “nhôm“: Các cựu lãnh đạo Tổng cục V tuyển chọn, quản lý Phan Văn Anh Vũ như thế nào?

(ĐTCK) Chiều 10/6, phiên tòa xét xử phúc thẩm Vũ nhôm và đồng phạm bước vào phần xét hỏi. 

Khi thẩm vấn bị cáo Nguyễn Hữu Bách, nguyên Phó Cục trưởng Cục B61 và Phan Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, tòa án cách ly bị cáo Phan Văn Anh Vũ.

Trước đó, Bách có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Tuấn xin xem xét lại tội danh.

Trả lời HĐXX, bị cáo Bách thừa nhận theo chỉ đạo của Phan Hữu Tuấn, bị cáo soạn thảo một số văn bản, tài liệu trình lãnh đạo để Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Nova được nhận mua 6 tài sản, nhận quyền sử dụng đất. Sau khi soạn thảo xong văn bản, bị cáo không được Vũ trao đổi, báo cáo việc triển khai như thế nào. Chỉ riêng tại dự án 15 Thi Sách (TP.HCM), bị cáo Tuấn trao đổi lại, bị cáo biết Vũ đã liên doanh với đơn vị khác. 

Tại tòa sơ thẩm, bị cáo đã nhận thức về hành vi của mình là có sai phạm. Trong đơn kháng cáo, bị cáo xin xem xét giảm hình phạt vì bối cảnh, hoàn cảnh, vị trí, vai trò của bị cáo.

Chủ tọa cũng thẩm vấn bị cáo Phan Hữu Tuấn xung quanh việc tuyển chọn, quản lý Phan Văn Anh Vũ.

Bị cáo Tuấn khai nhận, năm 2009, bị cáo được giao nhiệm vụ tuyển dụng Vũ là tình báo viên. Bị cáo và Trần Hữu Bách cùng nghiên cứu, tuyển chọn. Hàng ngày, hàng kỳ, có lúc là bị cáo, có lúc là Bách, có lúc cả 2 người gặp Vũ, giao nhiệm vũ. Đến tháng 9/2015, bị cáo thôi làm công tác quản lý.

Bị cáo thừa nhận, mục đích tuyển chọn Vũ để phát triển công ty bình phong lớn mạnh, phục vụ công tác nghiệp vụ.

Lời khai tại tòa, bị cáo Tuấn cho biết, bị cáo đổi tên thành Hoàng Hữu Thân, góp vốn vào 2 doanh nghiệp trên. Cụ thể, bị cáo góp 20% vốn vào Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 và góp 5% vốn vào Công ty Nova. Tuy nhiên, trên thực chất không có việc góp vốn trên.  

HĐXX trích dẫn điểm c, khoản 2, Điều 12, Luật Doanh nghiệp 2005 và khoản 2, Điều 18, Luật Doanh nghiệp 2015 quy định sĩ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân không được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Bị cáo Tuấn thừa nhận việc làm này không đúng với Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, bị cáo mong HĐXX xem xét đến vai trò, vị trí của bị cáo khi phải thực hiện với quan hệ chỉ huy – phục tùng khi xây dựng các công ty bình phong với mục đích hoạt động nghiệp vụ.

Chủ tọa cũng đặt vấn đề, bị cáo Vũ tự viết văn bản, vừa đề nghị Tổng cục, Bộ Công an hỗ trợ để được mua tài sản, sau đó chuyển thành tài sản cá nhân hoặc chuyển nhượng cho người khác, có việc bị cáo Vũ lợi dụng danh nghĩa tình báo không? Bị cáo Tuấn trả lời, khi vụ việc bị khởi tố, bị cáo giật mình, có cảm giác “bản thân bị lợi dụng”.

Trả lời luật sư, bị cáo Tuấn khai nhận bị cáo chỉ hỗ trợ ra văn bản, không có chỉ đạo triển khai các dự án.

Vụ án Vũ “nhôm“: Các cựu lãnh đạo Tổng cục V tuyển chọn, quản lý Phan Văn Anh Vũ như thế nào? ảnh 1

Các bị cáo tại tòa.

Cuối giờ chiều nay, tòa án tiếp tục thẩm vấn đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Bị cáo khai nhận, người quản lý, giao nhiệm vụ trực tiếp cho bị cáo là ông Phan Hữu Tuấn – khi đó là Cục trưởng Cục B61. Hiện nay, Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 vẫn còn hoạt động, bị cáo không nhớ còn những ai, “nếu chắc chắn thì chỉ có mình bị cáo”.

Hội đồng xét xử hỏi: Vậy tại sao là công ty cổ phần?

"Ý bị cáo chắc chắn là bị cáo, còn ai thì không nhớ", bị cáo Vũ trả lời.

Chủ tọa công bố tài liệu liên quan đến việc thành lập, góp vốn Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Nova. Theo tòa án, trường hơp người đại diện theo pháp luật bị tạm giam, thì HĐQT phải cử người khác để tham gia điều hành, đại diện doanh nghiệp. Tại tòa, người đại diện theo pháp luật Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 đang trong quá trình thai sản, bị cáo có ủy quyền cho ai không?

“Bị cáo đề nghị ông Trần Đình Ba. Nếu không có ông Ba, thì cho bị cáo đề xuất người khác, bây giờ bị cáo chưa nhớ ra, bị cáo sẽ bàn lại với luật sư”, bị cáo Vũ trả lời.

Bị cáo Vũ khai nhận, bị cáo được tuyển dụng và thành lập 2 doanh nghiệp bình phong được thực hiện cùng lúc.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam kháng cáo, đề nghị hủy bỏ quyết định tịch thu số tiền hơn 200 tỷ đồng. Theo đó, vào năm 2016, Công ty Bắc Nam 79 cho Tổng công ty thủy sản Việt Nam vay số tiền 280 tỷ đồng. Hiện còn 250 tỷ đồng tiền gốc và 18,4 tỷ đồng tiền lãi. Bản án sơ thẩm tuyên tịch thu số tiền trên nên Tổng công ty Thủy sản Việt Nam kháng cáo. Khi xem xét, TAND Cấp cao xem xét nhận thấy đơn kháng cáo của công ty đã quá hạn.

CTCP Peak View – người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo vì cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét đến quyền lợi công ty. Chiều nay, đại diện theo ủy quyền là ông Thái Bảo Anh có mặt tại tòa.  

Tin bài liên quan