Thủ đoạn làm giả ủy nhiệm tinh vi để lừa tiền của 2 chị em chủ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đặng Thị Bích Hương và Đặng Hoài Sơn cùng nhau làm giả ủy nhiệm chi ngân hàng lừa đối tác giao hơn 129.000 lít xăng dầu các loại.

Thủ đoạn làm giả ủy nhiệm chi ngân hàng tinh vi

Vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã xét đơn kháng cáo kêu oan của hai bị cáo Đặng Thị Bích Hương (SN 1971, trú tại Bình Thuận), Đặng Hoài Sơn (SN 1974, trú tại Khánh Hòa).

Theo cáo trạng, năm 2017, Công ty TNHH Dầu khí miền Trung (do 2 chị em bị cáo Hương và Sơn cùng góp vốn thành lập, cùng quản lý, chỉ đạo hoạt động của công ty) ký hợp đồng làm tổng đại lý xăng dầu cho CTCP Thương mại tư vấn đầu tư xây dựng Bách Khoa Việt (trụ sở tại TP.HCM).

Theo hợp đồng, Công ty Dầu khí miền Trung phải chuyển khoản trước rồi Công ty Bách Khoa Việt mới giao hàng.

Khoảng tháng 4/2017, Công ty Dầu khí miền Trung có đơn đặt hàng mua xăng dầu từ một số khách hàng doanh nghiệp khác. Lúc này, tài khoản công ty chỉ còn 237 triệu đồng, nhưng số lượng hàng cần mua lên tới 129.240 lít xăng dầu các loại với tổng giá trị hơn 1,7 tỷ đồng.

Hai bị cáo bàn nhau đề nghị đối tác ứng tiền trước để mua hàng, nếu không được thì sẽ làm giả ủy nhiệm chi để Công ty Bách Khoa Việt giao hàng.

Sau đó, bị cáo Sơn đã làm việc với 2 khách hàng để xin ứng tiền trước nhưng không được đồng ý.

Bị cáo Sơn báo với bị cáo Hương và chuyển đổi sang phương án làm giả ủy nhiệm chi như bàn bạc lúc đầu. Bản thân bị cáo Hương trực tiếp làm giả 3 ủy nhiệm chi với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Đầu tiên, bị cáo Hương thực hiện ủy nhiệm chi với số tiền 175 triệu đồng, đơn vị nhận tiền là Công ty Bách Khoa Việt. Bị cáo Hương có ý định chuyển khoản số tiền ít hơn số tiền có trong tài khoản Công ty để đảm bảo sẽ có dòng Giao dịch đã hoàn tất. Đồng thời, bị cáo cố tình ghi sai từ “Viet” thành “Vied” để số tiền trên không chuyển đi được.

Sau đó, bị cáo Hương làm giả 2 ủy nhiệm tiếp theo, chụp màn hình, copy dòng trạng thái “giao dịch đã hoàn tất” trước đó vào 2 ủy nhiệm chi tiếp theo.

Cuối cùng, bị cáo Hương chụp màn hình cả 3 ủy nhiệm chi và gửi mail cho Công ty Bách Khoa Việt rồi liên tục gọi điện giục giao hàng.

Phía Công ty Bách Khoa Việt kiểm tra email thấy có ủy nhiệm chi thì tin tưởng và giao hàng.

Đến ngày thứ Hai đầu tuần, Công ty Bách Khoa Việt kiểm tra thì phát hiện chưa nhận được tiền. Công ty Bách Khoa Việt nhiều lần yêu cầu Công ty Dầu khí miền Trung chuyển lại tiền nhưng các bị cáo đều không thực hiện.

Có phải giao dịch dân sự?

Cơ quan điều tra xác minh cho thấy, bị cáo Hương và Sơn đã đem bán phần lớn số xăng dầu đó cho 3 doanh nghiệp. Còn một phần, hai bị cáo bán cho các khách hàng khác nhưng không nhớ bán cho ai, được bao nhiều tiền.

Số tiền bán xăng dầu thu được, hai bị cáo trả nợ và sử dụng vào việc riêng.

Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định có thời điểm tài khoản ngân hàng của Công ty Dầu khí miền Trung có trên 1,7 tỷ đồng, nhưng 2 bị cáo vẫn không trả nợ cho Công ty Bách Khoa Việt.

Với hành vi này, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hương mức án 14 năm tù, bị cáo Sơn mức án 12 năm tù.

Sau đó 2 bị cáo kháng cáo kêu oan cho rằng đây là quan hệ dân sự, các bị cáo nợ tiền chưa trả được không có ý định chiếm đoạt.

Tòa án cho rằng các bị cáo biết rõ tài khoản ngân hàng không đủ tiền nhưng vẫn ký 2 đơn đặt hàng, làm giả 3 ủy nhiệm chi thể hiện đã chuyển tiền rồi giục Công ty Bách Khoa Việt giao hàng nhằm mục đích chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng. Kháng cáo kêu oan với lý do quan hệ dân sự là không có căn cứ để chấp nhận.

Xét vai trò của bị cáo Sơn chỉ là phụ thuộc, mọi việc do bị cáo Hương điều hành, chỉ đạo, Tòa giảm án cho bị cáo Sơn còn 10 năm tù, giữ nguyên mức án với bị cáo Hương.

Tin bài liên quan