PVN đã xin thoái vốn Oceanbank

PVN đã xin thoái vốn Oceanbank

(ĐTCK) Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng nếu PVN được phép thoái vốn thì không có chuyện thiệt hại 800 tỷ đồng. Việc mất vốn góp tại ngân hàng Oceanbank không thuộc trách nhiệm của PVN.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời các luật sư tham gia thẩm vấn, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng từ tháng 3/2011, việc xin thoái vốn của PVN tại OceanBank đã có chỉ đạo từ tháng 3-2011.

Bị cáo Đinh La Thăng trình bày khi có công ty của Singapore xin mua 5% cổ phẩn và một công ty khác của Việt Nam xin mua 15% cổ phần thì đầu tiên đã được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Nhưng sau đó hai tuần lại không đồng ý. Việc mất vốn (của PVN tại OceanBank) sau khi bị NHNN mua bắt buộc không thuộc trách nhiệm PVN. PVN đã tìm được đối tác, đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

OceanBank đã trình kế hoạch của đơn vị mua với giá tối thiểu là bằng mệnh giá nhưng lại không được thoái vốn.

Lời khai của ông Hà Văn Thắm - nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank tại tòa cho biết tháng 4/2014, có một công ty của Singapore chào mua 5% cổ phần của PVN tại OceanBank. Kế đó, một công ty khác của Việt Nam có văn bản chào mua 15% cổ phần của PVN tại OceanBank.

Sau đó, ông Thắm ký văn bản gửi PVN và Công ty chứng khoán Dầu khí đề nghị thực hiện điều chỉnh phần vốn góp.

Ngày 7/5/2014, PVN đã có văn bản gửi Chính phủ với nội dung trình Thủ tướng xem xét cho phép PVN được chuyển nhượng vốn của PVN tại OceanBank.

Ngày 12//6/2014, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cho phép PVN thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tại OceanBank bằng hình thức đấu giá công khai theo quy định. Trường hợp đấu giá không thành thì chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện phần vốn góp và báo cáo Thủ tướng.

Tuy nhiên, ngày 26/6/2014, sau hai tuần, Văn phòng Chính phủ lại có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng yêu cầu PVN ngừng thoái vốn và giao cho Ngân hàng Nhà nước giải quyết.

Đến ngày 6/5/2015, Thống đốc NHNN ban hành quyết định mua bắt buộc 100% cổ phần của OceanBank, chấm dứt toàn bộ quyền và tư cách của các cổ đông trong đó có PVN.

Theo ông Hà Văn Thắm, sau khi có kết luận của Thanh tra NHNN Hà Nội về “tình trạng yếu kém” của OceanBank, có hai công ty đề nghị mua cổ phần của PVN, OceanBank đều công khai với các cổ đông này về tình trạng của OceanBank cũng như công khai về những nhận xét nói trên. Sau khi họ đánh giá về tài sản và thực trạng thu được nợ đó, họ vẫn đồng ý mua lại cổ phần của PVN tại OceanBank với giá 800 tỷ đồng, giá nguyên gốc, không bị mất đồng nào cả.

Trả lời luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn), bị cáo Đinh La Thăng cho rằng lộ trình thoái vốn của PVN tại OceanBank đã được xây dựng từ năm 2012 để trình Thủ tướng. Đến tháng 1/2013, lộ trình này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép lộ trình thoái vốn từ 2013 đến 2015.

"Xuất phát từ việc NHNN đề nghị giữ lại, sau đó Phó Thủ tướng đã đồng ý dừng lại. Nhưng sau đó, chính NHNN lại ra quyết định mua bắt buộc" – bị cáo Đinh La Thăng nói.

"Mới 51 tuổi, chưa thể mất trí nhớ được"

Về việc tham gia góp vốn Oceanbank thứ 3 sau khi Luật các tổ chức tín dụng 2010 đã có hiệu lực, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng thời điểm đó bị cáo đi công tác nên không biết, không biểu quyết và cũng không ủy quyền cho anh Thắng quyền biểu quyết. Bị cáo chỉ ủy quyền cho anh Nguyễn Xuân Thắng điều hành hoạt động của HĐTV.

Theo quy chế làm việc, người được ủy quyền không có nghĩa vụ, trách nhiệm báo cáo với người ủy quyền. Bản thân bị cáo không yêu cầu những người được ủy quyền báo cáo lại, bởi ủy quyền là điều hành chung công việc của cả tập đoàn. Tất cả các lần ủy quyền, bị cáo không ủy quyền việc cụ thể nào cả.

Về việc bị cáo Nguyễn Xuân Thăng Thắng khai đã báo cáo lại về việc ban hành nghị quyết góp vốn lần ba, bị cáo Đinh La Thăng nói hoàn toàn xin lỗi anh Thắng. Nếu giả xử, việc góp 100 tỷ đồng này là sai, bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu và người ủy quyền. Tuy nhiên, bị cáo hiểu việc góp vốn 100 tỷ này là chưa đúng pháp luật. Nhưng đến nay, bị cáo mới biết, việc góp vốn này đã được sự đồng ý của các cơ quan quản lý.

Trước đó, bị cáo Đinh La Thăng khai Nghị quyết góp vốn lần 3 được ký khi bị cáo đi công tác. Khi về thì bị cáo bận nhiều việc do sắp chuyển công tác, không được bị cáo Nguyễn Xuân Thắng báo cáo lại nên không biết việc góp vốn.

"Tôi xin lỗi các anh em trong PVN và không có ý đổ lỗi trách nhiệm nhưng tháng 3-2011, bị cáo đã họp và chỉ đạo HĐQT thống nhất có nghị quyết thoái vốn của PVN tại OceanBank để phù hợp với tỉ lệ sở hữu theo quy định pháp luật hiện hành.

Mới tháng 3 bị cáo chỉ đạo thoái vốn mà đến tháng 5-2011, khi anh Thắng báo cáo, bị cáo lại đồng ý cho chuyển vốn lần ba thì hoàn toàn vô lý. Bị cáo lúc đó đang sung sức, mới 51 tuổi, chưa thể mất trí nhớ được.

Tin bài liên quan