Phiên tự bào chữa đại án VNCB: Các bị cáo chỉ muốn cứu Ngân hàng?

Phiên tự bào chữa đại án VNCB: Các bị cáo chỉ muốn cứu Ngân hàng?

(ĐTCK) Sau bản luận tội của Viện kiểm sát đề nghị phạt Phạm Công Danh tổng cộng 30 năm tù, Phan Thành Mai 24-26 năm; Hoàng Đình Quyết 22-24 năm…, các bị cáo đã có phần tự bào chữa trước Hội đồng xét xử tại các phiên tòa ngày 22 và 23/8.

Mặc dù thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch VNCB, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cho rằng, khi tiếp nhận TrustBank (tiền thân của VNCB), việc khó nhất là phải xử lý khoản chi phí chăm sóc khách hàng của nhóm cổ đông cũ để lại. Theo bị cáo Danh, để Ngân hàng có thể hoạt động được, bị cáo đã lấy tiền từ Tập đoàn Thiên Thanh để bù đắp cho khoản chi phí trên, cho nên bị báo không rõ trách nhiệm hình sự sẽ quy buộc thế nào cho hành vi này.

Bị cáo Danh đề nghị thu hồi toàn bộ số tiền có chứng từ mà bị cáo đã trả cho nhóm Trần Ngọc Bích để khắc phục hậu quả. (Tổng số tiền lãi ngoài mà bị cáo Danh khai đã chi cho nhóm bà Bích là 2.700 tỷ đồng, nhưng số tiền có chứng từ chỉ khoảng 900 tỷ đồng).

Theo Phạm Công Danh, TrustBank ở thời điểm đó là ngân hàng yếu, thanh khoản kém nên cổ đông cũ là nhóm Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) muốn thoái thác và chuyển giao lại cho bị cáo. Mặc dù vậy, Phạm Công Danh vẫn đồng ý mua lại với giá 4.700 tỷ đồng (đã thanh toán 3.800 tỷ đồng), nhưng không lấy được tài sản để bán như kỳ vọng. Vì thế, bị cáo Danh đề nghị được thu hồi 3.800 tỷ đồng đã trả cho bà Phấn, với mong muốn khắc phục toàn bộ hậu quả. 

Trong phiên tự bào chữa ngày 23/8, bị cáo Danh không xin giảm nhẹ tội cho bản thân, mà bị cáo nói rằng, với bối cảnh rất khó khăn lúc đó, bị cáo đứng ra nhận tái cơ cấu là thể hiện tâm huyết với Ngân hàng. Vì thế, bị cáo Danh mong muốn được khắc phục hậu quả trong khuôn khổ pháp luật và tin rằng có thể khắc phục được toàn bộ.

Bị cáo Phan Thành Mai, cựu Tổng giám đốc VNCB có lời bào chữa rằng, những người ở lại với VNCB trong giai đoạn khó khăn nhất cho thấy, tâm huyết của họ chỉ vì muốn cứu ngân hàng này, cho nên các sai phạm cũng xuất phát từ mục tiêu này mà ra.

Theo bị cáo Mai, sau khi VNCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và phân công Tổ Giám sát theo dõi các giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên phải báo cáo, thì hoạt động của Ngân hàng rất khó khăn, mỗi ngày chịu lỗ 6 tỷ đồng. Việc chi lãi suất vượt trần không thể hiện trong hồ sơ, sổ sách của VNCB, nhưng khoản tiền chi ngoài rất lớn là để chăm sóc khách hàng, cứu thanh khoản Ngân hàng, cho nên đã có việc làm làm giả hồ sơ nâng cấp hệ thống corebanking rút hơn 63 tỷ đồng; làm giả hồ sơ thuê mặt bằng 2 trụ sở gây thiệt hại 581 tỷ đồng; ủy thác trái phiếu gây thiệt hại hơn 900 tỷ đồng; cầm cố sổ tiết kiệm của khách hàng để thực hiện “ma trận” trả-vay, rút tiền không có chữ ký chủ tài khoản là nhóm Trần Ngọc Bích tổng cộng 5.190 tỷ đồng.

Đối với phần tự bào chữa của bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn, bị cáo này cho rằng, sai phạm lên tới hơn 9.000 tỷ đồng là quá sức tưởng tượng đối với bị cáo. Bởi mỗi hồ sơ cho vay thường có 3 căn cứ: hồ sơ pháp lý, phương án vay nợ và trả nợ, cuối cùng mới là tài sản đảm bảo. Việc tiền chuyển đi như thế nào sau khi cho vay thì bị cáo không kiểm soát được, thậm chí có muốn cũng không thể kiểm soát.

Trong phiên tòa ngày 23/8, bị cáo Hoàng Đình Quyết nhận lỗi đã cho bà Bích nợ chứng từ, chứ không nhận lỗi rút tiền, gây thiệt hại cho VNCB. Cụ thể, liên quan đến khoản tiền 5.190 tỷ đồng với nhóm bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Tân Hiệp Phát, bị cáo Quyết khẳng định, không nhận chỉ đạo của Phạm Công Danh, mà làm hoàn toàn theo trách nhiệm của trưởng phòng tín dụng. Tuy nhiên, bị cáo Quyết cho rằng, người thiệt hại là ông Danh, chứ không phải VNCB.

Tại phiên tòa đầu tuần này, Luật sư Quang Anh bào chữa cho Phan Thành Mai cũng cho rằng, VNCB không thiệt hại 5.190 tỷ đồng. Nếu nhóm bà Bích không thừa nhận việc đồng thuận chuyển tiền, liệu có hay không việc cố ý chiếm đoạn tài sản của VNCB? Vì thế, nhóm luật sư đề nghị tách khoản tiền này ra xét xử trong một vụ án khác.

Luật sư Quang Anh viện dẫn thêm các dẫn chứng cho rằng, bị cáo Mai không có chung ý chí trong việc rút tiền. Bởi trong khoản tiền này, bị cáo Mai chỉ có liên quan duy nhất, đó là thực hiện Nghị quyết HĐQT VNCB sau này, chèn vào các số văn bản cũ, nhưng không nhằm mục đích hợp thức hóa điều gì, chỉ để xin room tín dụng năm 2014. Đồng thời, một thời gian dài sau khi khoản tiền được giải ngân bị cáo Mai mới biết, vì hoạt động này được thực hiện tại VNCB Chi nhánh Sài Gòn bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm. Do đó, Luật sư Quang Anh cho rằng, khoản tiền này VNCB không bị thiệt hại, nhưng giả sử có thiệt hại xảy ra, thì bị cáo Mai cũng không phải là đồng phạm.

Trong khi đó, theo Viện kiểm sát, hành vi của các bị cáo trong vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB là nguy hiểm, việc cho vay sai đối tượng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của khách hàng đối với Ngân hàng và an ninh tiền tệ. Phạm Công Danh là người tổ chức phân công cho cấp dưới thực hiện những hành vi vi phạm trong thời gian dài, gây thiệt hại rất lớn cho VNCB. Tuy bị cáo Danh là xuất thân trong gia đình có công với cách mạng và nhận tái cơ cấu TrustBank trong tình trạng khó khăn, nhưng vi phạm của bị cáo là cực kỳ nghiêm trọng, phải áp dụng biện pháp cao nhất mới đủ sức răn đe.   

Tin bài liên quan