Ông Đinh La Thăng không thừa nhận đôn đốc, thúc ép tạm ứng hơn 1.300 tỷ đồng

(ĐTCK) Ngày 9/5, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã trình bày trước Tòa phúc thẩm các nội dung kháng cáo.

Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, lời khai của bị cáo, ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo và các bị cáo khác chưa được tòa sơ thẩm xem xét 1 cách thấu đáo.

Tòa sơ thẩm đã không xem xét toàn diện Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 trong bối cảnh kinh tế lúc đó. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho PVN được chỉ định các đơn vị thành viên có đủ năng lực thực hiện dự án đầu tư.

Theo bị cáo Thăng, đây là dự án trọng điểm của nhà nước, nằm trong sơ đồ quy hoạch 6 được tổ chức vừa thiết kế vừa thi công...

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Thăng một lần nữa nhấn mạnh, bị cáo nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu và thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ quyền hạn theo quy định. Dự án này được phân công, phân nhiệm rất rõ ràng, bị cáo mong trách nhiệm chức năng HĐTV phải được làm rõ.

Trả lời HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, việc chỉ định Tổng CTCP Xây lắp dầu khí (PVC) làm tổng thầu dự án là không trái quy định. PVN thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo trong các văn bản thông báo của Văn phòng Chính phủ. Khi lựa chọn PVC làm tổng thầu có hồ sơ đề xuất, trước khi ký Hợp đồng EPC 33 cũng có hồ sơ đề xuất.

Về năng lực tài chính của PVC, bị cáo Đinh La Thăng khai, giai đoạn 2009 – 2011, PVC đều làm ăn có lãi.

Ông Đinh La Thăng không thừa nhận đôn đốc, thúc ép tạm ứng hơn 1.300 tỷ đồng ảnh 1

 Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa

“Lúc đó quyết định cho PVC là tổng thầu, tôi căn cứ vào các báo cáo tài chính. Lúc đó tôi không được nghe các anh trình bày PVC tài chính khó khăn như tại tòa hôm nay”, bị cáo Đinh La Thăng nói.

Về việc hợp đồng EPC số 33 không đủ điều kiện ký kết, bị cáo Đinh La Thăng khai, trong tất cả các cuộc họp không ai báo cáo gì về hợp đồng số 33. Bị cáo chỉ có nhiệm vụ đôn đốc tiến độ dự án. Còn ký hợp đồng như thế nào là trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu. Sau này ký lại hợp đồng là do có việc chuyển đổi chủ đầu tư.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Vũ Huy Quang (nguyên Tổng giám đốc PVPower) khẳng định, trong cuộc họp tại PVN ngày 31/3/2011, ông đã báo cáo rõ với ông Thăng và toàn thể lãnh đạo PVN việc hợp đồng 33 có thiếu sót, chưa đủ cơ sở pháp lý, cần phải ký lại.

Trả lời HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, không nhận được các văn bản báo cáo của PVPower. Hàng ngày, có hàng trăm văn bản gửi đến. Nếu bị cáo nhận được văn bản, bị cáo phải xử lý nhưng thực tế là bị cáo không nhận được văn bản nào của bị cáo Quang.

Về ý kiến của Văn phòng Chính phủ giao PVN liên danh với nước ngoài nhưng không thực hiện mà lại chỉ định PVC là tổng thầu, bị cáo ĐInh La Thăng giải thích, là do phía nước ngoài từ chối tham gia.

Ngoài kháng cáo về tội danh, bị cáo Đinh La Thăng cũng kháng cáo đề nghị xem xét lại trách nhiệm dân sự, xem xét lại giá trị thiệt hại. Theo bị cáo, tiền tạm ứng được chuyển từ tài khoản thanh toán do đó phải tính thiệt hại là lãi suất tài khoản thanh toán, không thể tính lãi suất tiền gửi được vì doanh nghiệp không mang tiền đi gửi.

“Tôi chuyển công tác từ tháng 8/2011, trong khi thiệt hại bắt đầu tính từ tháng 11/2011. Như vậy không đúng”, bị cáo Đinh La Thăng nói.

Chủ tọa nhắc bị cáo hành vi tạm ứng đã xong từ 5/2011 và HĐXX sơ thẩm cũng tính đến tình tiết bị cáo đôn đốc, thúc ép tạm tứng khi hạng mục thi công, thiết kế chưa có.

Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục nhận trách nhiệm người đứng đầu và cho rằng, trách nhiệm chính là người tạm ứng sai, dùng tiền tạm ứng sai, không thể quy trách nhiệm cho bị cáo. Bị cáo không đôn đốc, thúc ép ai tạm ứng. Bị cáo yêu cầu tạm ứng phải thực hiện đúng pháp luật, sử dụng đúng mục đích. Thời hạn tính hiệu lực hợp đồng, để triển khai thi công là khi tổng thầu nhận đủ tiền tạm ứng. Bị cáo chỉ yêu cầu đảm bảo tiến độ công việc.

Theo bị cáo Thăng, việc chuyển chủ đầu tư từ PVPower sang PVN không liên quan đến tạm ứng tiền mà do hệ số năng lực của PVPower thấp nên để vay vốn điều kiện ngặt hơn. Nếu PVN là chủ đầu tư sẽ được sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, các cơ quan chức năng.

HĐXX nhắc lại lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh, theo đó bị cáo Thăng yêu cầu phải cấp vốn vì chậm tiến độ dù hồ sơ thiết kế chưa xong. Bị cáo Thăng tiếp tục khẳng định bị cáo có chỉ đạo đôn đốc nhưng không chỉ đạo tạm ứng bao nhiêu, như thế nào.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng có sai phạm về quy trình trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu không thông qua hội đồng thành viên (HĐTV). Các tài liệu và lời khai của các bị cáo khác khẳng định, ông Thăng biết rõ điều kiện, năng lực của PVC đang rất khó khăn, nhưng vẫn yêu cầu và chỉ định thầu cho PVC thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Hành vi của bị cáo gây hậu quả nặng nề cho Nhà nước, thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo ĐInh La Thăng 13 năm tù giam.

Tin bài liên quan