Các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty  Địa ốc King Việt Nam và Công ty 5F Capital tại tòa

Các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Địa ốc King Việt Nam và Công ty 5F Capital tại tòa

Nhà đầu tư sập bẫy “bánh vẽ” lãi suất cao

(ĐTCK) Bị hấp dẫn bởi lãi suất từ 36 - 72%/năm cùng những lời quảng cáo trên trời về các dự án, hơn 500 nhà đầu tư đã sập bẫy lừa đảo của Công ty Địa ốc King Việt Nam và Công ty 5F Capital.

Năm 2014, Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc King Việt Nam được thành lập với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do Lâm Hữu Sơn (sinh năm 1975, ở quận Tân Bình, TP.HCM) giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị; Phan Tuấn Anh là Tổng giám đốc cùng 4 cổ đông khác.

Từ khi thành lập công ty, các đối tượng trên đã “thổi phồng” thông tin là Địa ốc King có các đối tác chiến lược là những nhà môi giới quốc tế cung cấp dịch vụ đầu tư tài chính hàng đầu như Quỹ CM Group, Công ty FBS Markets Inc… và đang sở hữu các dự án thuộc hàng “khủng” như Dự án Chung cư cao cấp Hòa Bình Green City, Dự án Nhà máy chế biến khí hiếm tại Bắc Ninh, chuỗi nhà hàng, quán cà phê, bar thương hiệu Bar of King, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Venus Cát Bà.

Cùng những lời quảng cáo hoa mỹ, Lâm Hữu Sơn còn tổ chức buổi ra mắt văn phòng đại diện hoành tráng tại khách sạn 5 sao. Mục đích chính của nhóm đối tượng là nhằm huy động tiền gửi khách hàng.

Để thu hút khách hàng, Lâm Hữu Sơn giới thiệu các gói lợi nhuận lãi suất cao ngất ngưỡng từ 36%/năm (thời hạn 3 tháng) – 45,6%/năm (thời hạn 12 tháng). Với nhân viên, đối tượng cũng tung ra các chế độ thưởng hoa hồng hấp dẫn để họ quảng bá về Công ty.

Sau khi tạo ra vỏ bọc doanh nghiệp lớn, từ tháng 4 - 11/2014, Công ty King đã huy động vốn của 140 khách hàng thông qua các hợp đồng vay vốn, góp vốn với số tiền 45,4 tỷ đồng. Bản chất các dự án trên là dự án “ma”, hoặc có thật nhưng không liên quan đến Công ty King.

Sau thời gian ngắn hoạt động, Lâm Hữu Sơn “khai tử” Công ty Địa ốc King và thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư 5F Capital. Đổi tên nhưng không đổi chủ, với bổn cũ soạn lại, Sơn tiếp tục chỉ đạo nhân viên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm quảng bá Công ty 5F có 14 dự án kinh doanh rất hiệu quả.

Lần này, đối tượng tung ra những gói đầu tư với lãi suất hấp dẫn hơn như gói 200 triệu đồng trở lên, thời gian góp vốn 6 tháng, khách hàng có lợi nhuận là 72%/năm. Ngoài ra, nếu nhà đầu tư giới thiệu khách hàng góp vốn vào Công ty còn được hưởng hoa hồng từ 35 - 50% lợi nhuận/tháng của người vào sau. Từng thời điểm, Công ty còn đưa ra các chương trình khuyến mãi như trả trước 3 tháng lợi nhuận; tặng chuyến du lịch Thái Lan; tặng 1 chỉ vàng, Ipad, Iphone…

Trong vòng 2 năm (từ cuối tháng 7/2015 đến 5/2016), Công ty đã ký 947 hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng góp vốn với 568 nhà đầu tư số tiền 173,4 tỷ đồng (thực thu là 153 tỷ đồng). Số tiền huy động được, các đối tượng sử dụng chi trả lãi, thưởng, chi phí công ty, đầu tư…

Thực chất, các pháp nhân do Sơn lập ra đều là vốn ảo, còn các hoạt động kinh doanh không thu được lợi nhuận như quảng cáo. Trong 14 dự án Công ty 5F giới thiệu đến khách hàng, có 3 dự án “ma”, còn lại là có thật. Trong số dự án có thật thì có dự án Công ty mới đặt cọc tiền thuê như dự án Nhà máy sản xuất tinh bột đồng (huyện Gia Lâm, Hà Nội); có dự án làm ăn thua lỗ hoặc thu lợi nhuận rất thấp như trang trại chăn nuôi vịt sạch ở Đồng Nai và Ninh Thuận; dự án Nhà máy sản xuất tảo xoắn tại Nghệ An, dự án trang trại chăn nuôi gà đẻ 2 trứng/ngày ở Vĩnh Long góp 4 tỷ đồng thu được 375 triệu đồng…

Phần lớn dự án chưa được thực hiện như dự án Khu liên hiệp chế biến và nuôi trồng thủy hải sản ở Hậu Giang (kết hợp với Công ty Nam Châu), Công ty 5F đã chuyển 13 tỷ đồng nhưng đối tác mới xây dựng giao thông nội bộ, chưa thực hiện sản xuất. Hoặc dự án trồng chuối xuất khẩu sang Nam Mỹ tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư (Lộc Ninh, Bình Phước), Công ty góp 1,4 tỷ đồng nhưng mới khai phá mặt bằng; đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất titan tại Nhà máy Dioxit Titan (Bình Thuận) chỉ mới ký kết hợp tác…

Đây cũng là lý do khi đến hạn thanh toán các hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, Công ty không có khả năng hoàn trả cho khách hàng. Tính đến nay, chỉ có số ít nhà đầu tư lấy lại tiền, còn 514 nhà đầu tư “mắc kẹt” gần 147 tỷ đồng tại Công ty 5F. Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền Lâm Hữu Sơn chiếm đoạt của nhà đầu tư góp vốn vào Công ty Địa ốc King và 5F Capital là 61,5 tỷ đồng. Các đồng phạm còn lại chiếm hưởng 59 tỷ đồng.

Ngày 28/3/2018, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lâm Hữu Sơn; Nguyễn Hồng Minh (sinh năm 1976, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty 5F) và Đào Văn Ý (sinh năm 1972, nguyên Cố vấn kinh doanh Công ty 5F) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn để điều tra bổ sung để nhập hành vi của đối tượng Phan Tuấn Anh (nguyên Tổng giám đốc Công ty King, mới bị bắt) để xử lý trong vụ án này. 

Tin bài liên quan