Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Cáo trạng truy tố không đúng“

Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Cáo trạng truy tố không đúng“

(ĐTCK) Trong phần xét hỏi chiều ngày 25/6 vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), các bị cáo cho rằng, cáo trạng đã truy tố không đúng.

Khai trước tòa, bị cáo Phạm Thế Tuân (nguyên Tổ phó Tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM) khẳng định, trong công tác đã tuân thủ đúng và đã báo cáo Thống đốc cũng như cơ quan thanh tra giám sát.

Việc cáo buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm về số tiền như trong cáo trạng (bị cáo Ngô Văn Thanh chịu hơn 10.000 tỷ đồng, bị cáo Phạm Thế Tuân hơn 3.450 tỷ đồng) là quá lớn, đề nghị HĐXX xem xét kỹ các khoản tiền khoản nào là xin ý kiến mà tổ giám sát đồng ý, khoản nào xin ý kiến mà không đồng ý và khoản nào là khoản không xin ý kiến, để làm rõ vai trò cho các bị cáo.

Tương tự bị cáo Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên Tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An) cũng cho rằng, nội dung bản cáo trạng nêu chưa đúng với quá trình làm việc và nhiệm vụ mình được phân công tại tổ giám sát.

Bị cáo Ngô Văn Thanh cho biết, làm tổ viên Tổ giám sát từ 17/2/2014 đến 19/5/2014. Sau khi phát hiện sai phạm tại VNCB, Tổ trưởng không phân công cho bị cáo, mà phân công cho ông Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An).

Đối với khoản 1.600 tỷ đồng của 12 khoản vay của 10 doanh nghiệp,Tổ trưởng không phân công cho bị cáo làm khoản này.

Về khoản 400 tỷ đồng, VNCB có xin tổ giám sát, bị cáo phê ý kiến trong đó không đồng ý cho giao dịch này, nhưng VNCB vẫn cố tình.

Vấn đề Viện kiểm sát truy tố số tiền hơn 10.000 tỷ đồng theo quan điểm của bị cáo Ngô Văn Thanh là chưa hoàn toàn đúng với diễn biến trong quá trình bị cáo được phân công công việc.

Bị cáo Ngô Văn Thanh nêu, trong các trường hợp giao dịch, tiền của VNCB thì có 3 trường hợp, một là ngân hàng xin giao dịch được Tổ giám sát đồng ý, hai là xin nhưng Tổ giám sát không đồng ý và ba là không xin.

Trong các giao dịch, cụ thể khoản 903 tỷ đồng, có 201 tỷ  đồng và 63 tỷ đồng thì VNCB tự ý thực hiện các khoản đó, khoản 650 tỷ đồng có xin, nhưng Tổ giám sát không đồng ý.

Riêng bị cáo Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An) cho rằng, nội dung cáo trạng đúng, nhưng về kết luận có một số thông tin chưa chính xác. Việc cáo trạng quy buộc bị cáo thụ động để ông Phạm Công Danh sử dụng tiền, gây thất thoát cho VNCB là không đúng.

Bị cáo Phước nêu, trách nhiệm của Tổ trưởng là chịu trách nhiệm chung của Tổ giám sát. Tổ phó phụ trách giám sát đối với một mảng mà quy định, chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng, NHNN. Bị cáo cho rằng, đã làm đúng trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, nhưng do năng lực hạn chế, có một số thiếu sót.

Đối với các khoản sai phạm 650 tỷ đồng, 903 tỷ đồng, 63 tỷ đồng, 201 tỷ đồng, bị cao Phước khai, tuy rằng không thuộc nhiệm vụ của Tổ giám sát là có ý kiến thay đổi về khoản tiền gửi, đá quý…, nhưng với trách nhiệm của Tổ giám sát, nên Tổ giám sát đã có ý kiến không cho vay đối với khoản 650 tỷ đồng.

Đối với khoản ủy thác 903 tỷ đồng, Tổ giám sát đã nhắc nhở, yêu cầu VNCB ngừng thực hiện, phải thu hồi. Về luân chuyển dòng tiền khoản này, Tổ giám sát NHNN không nắm được, do không thuộc trách nhiệm của tổ.

Đối với khoản 201 tỷ đồng, VNCB đã không báo cáo của Tổ giám sát. Tổ đã yêu cầu thu hồi và đã thu được. Đối với khoản tiền gửi liên ngân hàng, Tổ đã giám sát chặt chẽ hàng ngày, báo cáo diễn biến số dư tiền gửi cho NHNN. Do vậy khoản 450 tỷ đồng không có biến động.

Ông Đặng Thanh Bình cùng 4 bị cáo khác bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cáo trạng cho rằng, qua kết quả điều tra, đủ căn cứ kết luận ông Đặng Thanh Bình sai phạm. Do đó, Viện kiểm sát truy tố bị can Bình theo khoản 2 Điều 285 BLHS 1999, khung hình phạt 3-12 năm tù giam.   

Bị cáo Phước cho rằng, lãnh đạo Ngân hàng VNCB đã lợi dụng, cố tình né tránh, lập hợp đồng bảo lãnh tiền gửi giả, không có chữ ký và không được theo dõi đúng quy định của NHNN, cho nên Tổ giám sát không thể nắm được.

Là người sau cùng bị xét hỏi, bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc NHNN cũng cho rằng, cáo trạng truy tố mình không đúng. Bởi thông qua Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, ông biết được sai phạm của VNCB do Tổ giám sát đưa lên, từ đó đã có những chỉ đạo kịp thời.

Theo ông Bình, ngoài việc kiến nghị với Cơ quan Thanh tra Giám sát thì Tổ giám sát cũng có thể báo cáo với NHNN Chi nhánh Long An để xử lý sai phạm. Bởi theo Quyết định 12, Thủ tướng đã trao cho NHNN Chi nhánh Long An một kênh thông tin nhanh để nắm bắt tình hình của VNCB thông qua Tổ giám sát. NHNN Chi nhánh Long An được phép đình chỉ tổ chức tín dụng nếu vi phạm nghiêm trọng kể cả đình chỉ các cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật.

Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng khi đồng ý tái cơ cấu theo tờ trình của NHNN, chủ tọa hỏi ông Bình: "Thực tế khả năng tài chính của nhà đầu tư tham gia vào Trustbank (VNCB) có đảm bảo yêu cầu của Thủ tướng không?". Ông Bình cho biết đã phê duyệt đề nghị Cơ quan Thanh tra Giám sát kiểm tra chặt chẽ nguồn vốn đã sử dụng.

Cựu Phó thống đốc cũng khẳng định, các báo cáo đều đến cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, qua tham mưu rồi mới tới bị cáo.

HĐXX yêu cầu thư ký phiên tòa triệu tập khẩn cấp Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có mặt lúc 8h hôm nay để làm rõ một số vấn đề quan trọng.

Tin bài liên quan