Bị cáo Saga tại tòa

Bị cáo Saga tại tòa

Ném tiền vào Khải Thái, nhà đầu tư “khóc ròng”

(ĐTCK) Hiếm có vụ án nào như vụ án tại Công ty Khải Thái, khi mà sau hơn 3 năm bị phát giác đầu tư vàng ảo, nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng hoạt động của công ty này là thật. Hiện tại, khi mọi chuyện đã rõ ràng, mong mỏi lớn nhất của nhà đầu tư là lấy lại được tiền đầu tư, nhưng điều này vô cùng khó.

Theo cáo trạng, năm 2011, sau khi thành lập, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái) không kinh doanh các ngành nghề đăng ký, mà kinh doanh vàng tài khoản, ngoại tệ và huy động tiền gửi của người dân dưới hình thức ủy thác đầu tư…

Thực tế, Công ty Khải Thái không kết nối liên thông với bất kỳ sàn giao dịch vàng hay ngoại tệ nào trên thế giới. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản cũng không được pháp luật Việt Nam cho phép.

Theo số liệu kế toán cung cấp, trong 3 năm, từ 2012 đến 2014, Công ty Khải Thái đã thu của 1.586 khách hàng số tiền lên tới 501 tỷ đồng. Trong đó, tiền của khách hàng chơi vàng tài khoản là 10,4 tỷ đồng, gửi tiền ủy thác đầu tư là 490 tỷ đồng. Công ty Khải Thái đã trả cho khách hàng 177,9 tỷ đồng, còn lại 323,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và chỉ có 724 bị hại đến trình báo. Số tiền ủy thác được xác định là 287,7 tỷ đồng. Do những người này đã được nhận tiền lãi theo thỏa thuận của Công ty Khải Thái là 18,2 tỷ đồng, nên số tiền công ty này còn chiếm đoạt là 269 tỷ đồng.

Số tiền thu của khách hàng 269 tỷ đồng, bị cáo Hsu Jung Ming (tức Saga, Giám đốc Công ty Khải Thái) khai nhận đã chuyển 81,4 tỷ đồng vào tài khoản của Lưu Kiến Phúc (cổ đông của Công ty Fuxing, địa chỉ ở Cao Hùng, Đài Loan), một phần chi trả thuê văn phòng, trả tiền lương, thưởng cho các nhân viên, tiền lãi khách hàng, tiền đi du lịch, mua 3 xe ô tô để sử dụng và các khoản chi tiêu khác. Số tiền 59 tỷ đồng chưa xác định rõ mục đích sử dụng.

Đối với khoản tiền 81,4 tỷ đồng, cơ quan điều tra đã xác định được các đối tượng liên quan, nổi lên có Nguyễn Hồng Tâm (sinh năm 1974, trú ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) làm dịch vụ chuyển tiền giữa Việt Nam và Đài Loan. Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Tổng cục An ninh xác định, Nguyễn Hồng Tâm đã xuất cảnh khỏi Việt Nam. Do đó, cơ quan điều tra tách riêng để tiếp tục điều tra vai trò của Tâm trong vụ án này.

Luật sư Nguyễn Minh Anh (bào chữa cho bị cáo Saga) cho rằng, với khoản tiền 59 tỷ đồng chưa được tiến hành xác minh làm rõ, nhưng quy buộc bị cáo Saga chiếm đoạt là không có căn cứ.

“Công ty Khải Thái được thành lập hợp pháp, trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể xảy ra tình trạng thất thoát tài chính do khả năng quản lý yếu kém của Công ty, nên không thể cáo buộc bị cáo Saga đã sử dụng hoặc chiếm đoạt khoản tiền này”, Luật sư Nguyễn Minh Anh nói. 

Đáng chú ý, trong vụ án này, khi cơ quan điều tra xử lý vật chứng đã hoàn trả cho một khách hàng cá nhân số tiền 1 tỷ đồng. Nhiều khách hàng khác cho rằng, cơ quan điều tra xử lý như vậy là không công bằng.

Luật sư Nguyễn Minh Anh cho biết, Điều 76-Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện Kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử”.

Chiều 15/12/2017, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo chủ mưu là Saga mức án chung thân, bồi thường toàn bộ số tiền 269 tỷ đồng cho 724 bị hại. Các bị cáo còn lại bị buộc truy thu số tiền hưởng lợi bất chính.

Thực tế cho thấy, đã có một khoản tiền lớn “chảy ra” nước ngoài, bên cạnh những khoản còn chưa được làm rõ. Bởi vậy, các bị hại trong vụ án này chỉ còn trông chờ vào việc xử lý vật chứng và việc hoàn trả của các bị cáo. Được biết, một số bị cáo đồng phạm mới khắc phục được hơn 500 triệu đồng, trong khi cơ quan điều tra đã thu giữ được 27 tỷ đồng và một số tài sản tại 3 chi nhánh của Công ty Khải Thái, uớc giá trị các khoản tiền này là gần 62 tỷ đồng.

Tin bài liên quan